Ngày 09/12/2023, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Mô hình mới trong công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý”.
Tham dự Hội thảo có ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; Luật sư Nguyễn Xuân Anh, Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm, Trưởng ban Xây dựng pháp luật và Trợ giúp pháp lý Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; Luật sư Lê Đăng Tùng, Phó Chủ nhiệm, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ luật sư Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cùng các Luật sư.
Toàn cảnh Hội thảo.
Thời gian vừa qua, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã và đang đang tiến hành triển khai một số mô hình mới về phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) và trợ giúp pháp lý (TGPL) khá hiệu quả như: Luật sư Thủ đô với đường vành đai 4; Học sinh Thủ đô với pháp luật; Luật sư Thủ đô với công tác hòa giải ở cơ sở; Luật sư đồng hành với nhóm người dễ bị tổn thương; Luật sư và nhân dân Thủ đô với chuẩn tiếp cận pháp luật.
Tại Hội thảo, Luật sư Nguyễn Xuân Anh, Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng Liên đoàn Luật sư Việt Nam đánh giá: Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nói chung và tại các Đoàn Luật sư nói riêng, trong đó có Đoàn Luật sư Hà Nội, với sự tham gia của nhiều Luật sư đã và đang đạt được những hiệu quả rõ rệt về mặt xã hội. Đây là trách nhiệm của mỗi Luật sư đối với xã hội. Thời gian tới, trên cơ sở những đánh giá về hiệu quả của các mô hình hình mới về phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ có kế hoạch trao đổi cũng như phối hợp với các cơ quan liên quan để công tác này được hoàn thiện và bài bản về cơ chế – chính sách…
Luật sư Nguyễn Xuân Anh – Phó Tổng thư ký, Chánh Văn phòng Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội: Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là một nhiệm vụ trong tâm của Đảng và Nhà nước ta đã được thể chế hóa trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012. Bất kỳ một chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nào muốn được triển khai, đi vào cuộc sống và để Nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng thì cần thiết phải thông qua công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL nên người dân có cơ hội tiếp cận với pháp luật và hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư. Từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật của người dân, họ hiểu về quyền nghĩa vụ của họ theo quy định pháp luật, từ đó giúp cho người dân sống và làm việc theo pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Hà – Phó Chủ nhiệm, Trưởng ban Xây dựng pháp luật và Trợ giúp pháp lý Đoàn Luật sư Hà Nội.
Với nhiều biện pháp thiết thực trong thời gian vừa qua về công tác tuyên truyền, PBGDPL, giới Luật sư đã góp một phần vào việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, giải quyết kịp thời những vướng mắc, các tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân; tăng cường đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật; duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở mỗi địa phương.
Trong năm 2023, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã tổ chức được 35 buổi tuyên truyền PBGDPL tại các Trường THCS, THPT thuộc các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Thường Tín, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức, Sóc Sơn…
Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cũng cho biết, trong công tác quản lý nhà nước, việc xây dựng các mô hình và hướng dẫn công tác phổ biến pháp luật có hiệu quả là nhiệm vụ trọng tâm của ngành tư pháp. Qua tham luận của các Luật sư, cùng các ý kiến khác đã cho thấy sự tâm huyết và nhiệt tình của các Luật sư đối với phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý hiện nay. Đối với các mô hình mới trong phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý hiện nay thì bản chất nó là quy trình cách làm, có tính hệ thống và làm mẫu, hướng dẫn cho các chủ thể tham gia công tác này đạt được hiệu quả và sát thực tế đối với xã hội; qua đó nâng cao sự hiểu biết pháp luật và chấp hành pháp luật của người dân.
Ông Phan Hồng Nguyên – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.
Phát biểu tại Hội thảo, Luật sư Nguyễn Văn Hà nhận định, để các hoạt động luật sư tham gia vào công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý nói chung, trong đó có xây dựng mô hình mới hiệu quả trong công tác này cần những giải pháp:
Một là, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tiếp tục phối hợp và định hướng cho các Đoàn Luật sư trong lĩnh vực phổ biến giáo dục pháp luật để triển khai đến từng ĐoànLuật sư, đặc biệt là cần quan tâm đến yếu tố đặc trưng vùng miền để có những hoạt động phù hợp.
Hai là, các Đoàn Luật sư, các Luật sư cần chủ động trong hoạt động này, đồng thời cần có sự lựa chọn đúng lĩnh vực, những văn bản quy phạm pháp luật để tuyên truyền giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý. Đồng thời lựa chọn phù hợp địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, vùng có khó khăn để phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý.
Ba là, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư cần xây dựng kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm. Đồng thời có kế hoạch triển khai, thực hiện và có tổng kết rút kinh nghiệm, từ đó đề ra phương hướng hoạt động hiệu quả thiết thực.
Bốn là, Đoàn Luật sư tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng cho các luật sư tham gia vào công tác này. Để mỗi luật sư có thể làm tốt công việc được giao và ý thức trách nhiệm của bản thân và lan toả đến luật sư khác về công tác này. Đoàn Luật sư cần chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, nguồn lực để triển khai hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật. Thường xuyên phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để tăng cường công tác phối hợp, truyền thông đến các đối tượng phổ biến giáo dục pháp luật.
Năm là, chính quyền Thành phố và các sở ngành, UBND các cấp cần có những kế hoạch chương trình cụ thể trong công tác PBGDPL, đặc biệt là phối hợp, tạo điều kiện để cho giời luật sư thủ đô tham gia sâu rộng trong các chương trình, kế hoạch về PBGDPL, tiếp tục hỗ trợ nguồn lực tài chính trong công tác PBGDPL cho Đoàn Luật sư để giới luật sư tiếp tục khẳng định vị thế của luật sư Thủ đô trong các hoạt động chính trị pháp lý mà Thành phố giao.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty Luật TNHH Đức An, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty Luật TNHH Đức An, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện nay các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật do Đoàn Luật sư Hà Nội thực hiện rất đa dạng. Do đó, các giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý là:
Thứ nhất, hình thức tuyên truyền pháp luật trực tiếp là hình thức chủ yếu và đạt nhiều hiệu quả nhất. Tuy nhiên, để hình thức này có thể đạt được hiểu quả cao nhất thì lực lượng báo cáo viên phải có kiến thức pháp luật sâu rộng, không chỉ vậy báo cáo viên còn phải được đào tạo về giọng nói, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng thu hút người nghe. Vì vậy, việc tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo về kỹ năng tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật là điều cần thiết.
Thứ hai, hiện nay mức phí hỗ trợ cho Báo cáo viên còn thấp. Để có được tài liệu cho một buổi tuyên truyền cần có thời gian nghiên cứu và soạn tài liệu. Để một buổi tuyên truyền diễn ra hiệu quả thì cần có nhiều nhân lực trong các khâu chuẩn bị. Vì vậy, cần phải có phương án tăng hỗ trợ cho Báo cáo viên.
Thứ ba, Đoàn luật sư TP. Hà Nội thường xuyên cập nhật, tổ chức, thông báo, đăng tin bài về các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với các luật sư thành viên. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là hoạt động diễn ra xuyên suốt trong năm, không chỉ vào ngày 09/11 (Ngày pháp luật Việt Nam) mới đẩy mạnh các công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật còn là nhiệm vụ đã được quy định tại khoản 15 Điều 65 Luật Luật sư: “Tham gia xây dựng pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật”.
Thứ tư, hiện nay công tác tuyên truyền của các luật sư tại trường học còn tồn tại một số khó khăn. Đề xuất Đoàn luật sư TP. Hà Nội ký các quy chế phối hợp với Sở Giáo dục đào tạo để các Luật sư có thể thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến học sinh được triển khai thuận lợi.
Luật sư Mai Bích Ngân, Giám đốc Công ty Luật TNHH Anh Trí Việt, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Theo Luật sư Mai Bích Ngân, Giám đốc Công ty Luật TNHH Anh Trí Việt, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, trong bối cảnh hiện nay trong công cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số, công tác trợ giúp pháp lý và tuyên truyền giáo dục pháp luật cũng cần có những cải tiến có tính chất đột phá, tiến kịp với tiến trình phát triển tất yếu của xã hội.
Một số giải pháp mang lại kết quả khả quan là truyền thông về trợ giúp pháp lý không ngừng được đổi mới theo các phương thức khác nhau, gồm truyền thông truyền thống (trực tiếp về cơ sở, báo đài, tờ gấp…), truyền thông hiện đại (internet, điện thoại hotline,…) và hình thức đặc thù (hộp, bảng tin, tờ tin TGPL tại cơ quan tố tụng, chính quyền cơ sở…); ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện TGPL thông qua hệ thống quản lý TGPL; thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người được trợ giúp pháp lý… Tiếp tục hoàn thiện thể chế về trợ giúp pháp lý theo hướng đánh giá việc thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số điều của Luật cho phù hợp với tình hình, yêu cầu từ thực tiễn (như nghiên cứu mở rộng một số đối tượng được trợ giúp pháp lý…); xây dựng Đề án phát triển trợ giúp pháp lý giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Bên cạnh đó, Luật sư Nguyễn Thị Minh Khuê, Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, sau khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 được ban hành, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành trên cả nước cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, tổ chức triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về nội dung của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân (được quy định tại Điều 2 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012), đồng thời nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện. Để tiếp tục thực hiện nhiều mô hình mới về công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nói riêng và các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nói chung, cần tập trung xác định đúng nội dung, đối tượng cần được phổ biến, giáo dục pháp luật để công tác phổ biến, giáo dục đạt chất lượng, hiệu quả. Đây được coi là yếu tố quan trọng đầu tiên, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân.
Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa hình thức phổ biến giáo dục pháp luật, đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý theo các phương thức khác nhau. Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu, cuộc cách mạng công nghiệp đang ngày càng phát triển. Kết hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện, xã/phường/thị trấn thành lập Tổ tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý ở cơ sở có nhiệm vụ thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý. Thành phần khoảng từ 5 đến 7 người, gồm các thành viên sau: Thành viên của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội ở xã, phường, thị trấn làm nòng cốt có từ 3 đến 5 Luật sư tham gia; mời đại diện Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ xã, phường, thị trấn làm thành viên…
Luật sư Nguyễn Ngọc Lan, Công ty Luật TNHH Luật sư Ngọc Lan và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Cùng quan điểm, Luật sư Nguyễn Ngọc Lan, Công ty Luật TNHH Luật sư Ngọc Lan và Cộng sự khẳng định, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là cách thức để Luật sư thực hiện nghĩa vụ của Luật sư trong việc trợ giúp pháp lý cho người dân. Thông qua việc luật sư tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, những thông tin, kiến thức về pháp luật, về chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước được truyền tải tới những đối tượng khác nhau trong xã hội, từ đó dần dần nâng cao nhận thức của cộng đồng, của xã hội về vai trò của pháp luật đối với cuộc sống, củng cố trách nhiệm của cá nhân trước pháp luật và đảm bảo hơn sự tuân thủ đúng pháp luật.
Tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế, nguồn lực hỗ trợ, cũng như nội dung cần chuyển tải và đối tượng cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục mà áp dụng hình thức, mô hình, phương pháp khác nhau. Theo đó, Luật sư có thể vận dụng những hình thức như phổ biến pháp luật trực tiếp; thông qua các chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục hay thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Việc lựa chọn hình thức phù hợp căn cứ vào đối tượng thụ hưởng, quy mô và bối cảnh thực tế…