Chương trình tọa đàm : ” Luật sư và trách nhiệm đối với xã hội ” .

Hướng tới Kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945-10/10/2022), với mong muốn cùng độc giả tìm hiểu về Luật sư và nghề Luật sư, đặc biệt là trách nhiệm xã hội và những đóng góp của các Luật sư trong tiến trình phát triển của xã hội, sáng nay (10/10), Tạp chí Luật sư Việt Nam đã tổ chức chương trình Tọa đàm với chủ đề: “Luật sư và trách nhiệm đối với xã hội”.

0536cb 4f4d5a69a05847518f16e8c8b6dec89amv2

Thay mặt Tạp chí Luật sư Việt Nam, Thạc sĩ Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập đã gửi những lẵng hoa tươi thắm và lời chúc mừng đến các Luật sư nhân dịp Kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945-10/10/2022).

Ngay sau khi giành được độc lập, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ kiểu mới, ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL về tổ chức đoàn thể Luật sư. Điều đó cho thấy sự quan tâm và coi trọng, thể hiện mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân vào đội ngũ Luật sư trong việc góp phần bảo đảm quyền cơ bản của con người là quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Đồng thời góp phần tích cực bảo vệ công lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Đến nay, sau 77 năm, nghề Luật sư và đội ngũ Luật sư đã ngày càng khẳng định được vai trò không thể thiếu trong các hoạt động tư pháp, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Chương trình Tọa đàm với chủ đề: “Luật sư và trách nhiệm đối với xã hội” do Tạp chí Luật sư Việt Nam tổ chức nhằm cùng độc giả tìm hiểu về Luật sư và nghề Luật sư, đặc biệt là trách nhiệm xã hội và những đóng góp của các Luật sư trong tiến trình phát triển của xã hội.

Tham dự chương trình Tọa đàm có Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm cơ quan Truyền thông, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Đào Ngọc Lý, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội; Luật sư Trịnh Văn Toàn, Trưởng Văn phòng Luật ATK.

0536cb 6386a5277d5e427babd1fdda140b3e6cmv2

Tiến trình phát triển nghề Luật sư tại Việt Nam

Để có cái nhìn toàn diện nhất về nghề Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư, Luật sư Nguyễn Văn Hậu đã phân tích rõ khái quát về tiến trình phát triển nghề Luật sư tại Việt Nam. Theo Luật sư, ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 46/SL về việc thành lập Đoàn thể Luật sư. Đây là một dấu mốc rất quan trọng. Sắc lệnh đã quy định rõ về quyền của người bào chữa.

Năm 1959, Hiến pháp đầu tiên đưa nước ta lên xã hội chủ nghĩa tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng và nhà nước ta về việc đảm bảo quyền bào chữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Theo đó, Hiến pháp quy định “quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm”.

Quan điểm này cũng được kế thừa và phát triển trong Hiến pháp năm 1980, cụ thể: “Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm. Tổ chức Luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác về mặt pháp lý”.

Năm 1987 Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh Tổ chức Luật sư. Pháp lệnh Luật sư năm 1987 cũng quy định rõ người muốn hành nghề Luật sư phải có bằng cử nhân luật, có chứng chỉ hành nghề Luật sư và trải qua quá trình hành nghề.

Hiến pháp năm 1992 quy định: “Tổ chức hành nghề Luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, đồng thời góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

Năm 2001, Pháp lệnh Luật sư ra đời, từ đó tạo quy định cho giới Luật sư hoạt động chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn. Học viện Tư pháp cũng ra đời từ năm đó nhằm giúp cho hoạt động đào tạo Luật sư. Đến tháng 5 năm 2009, Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập, trở thành mái nhà chung của giới Luật sư.

Từ khi có các quy định này, nhìn chung các Luật sư đã đều đã đáp ứng được các yêu cầu trong các lĩnh vực trong và ngoài tố tụng, thực hiện các hoạt động trợ giúp và tuyên truyền, phổ biến pháp luật thể hiện chức năng và vai trò của Luật sư.

“Vai trò Luật sư không thể thiếu trong quá trình phát triển đất nước. Luật sư tham gia xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, các nhân. Tuy nhiên, các Luật sư cũng cần hoàn thiện, cố gắng để hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, tuân thủ quy định của pháp luật. Từ đó đáp ứng được yêu cầu bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phục vụ đất nước phát triển công bằng, văn minh”, Luật sư Hậu nói.

0536cb fd8737fd87144e218b580b77920e6479mv2

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm cơ quan Truyền thông, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Nâng cao quyền hạn, trách nhiệm của Luật sư

Đến nay, Việt Nam có trên 16 nghìn Luật sư cùng hàng nghìn tổ chức hành nghề Luật sư. Làm rõ về quyền hạn, trách nhiệm của các Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư, đặc biệt là những quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động hành nghề Luật sư, Luật sư Hậu phân tích rõ: Từ khi có Pháp lệnh Luật sư do Hội đồng nhà nước ban hành, đây là một bước đột phá, thể hiện vai trò và vị trí của Luật sư được tôn trọng, nâng lên. Đặc biệt là khi Luật sư tham gia trong quá trình tố tụng giúp bảo vệ quyền con người và quyền công dân, bảo vệ công lý, bảo vệ nhà nước xã hội chủ nghĩa. Các hoạt động của Luật sư như tham gia tố tụng, thực hiện dịch vụ pháp lý, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, đại diện ngoài tố tụng đã giúp cho xã hội phát triển hơn trên cơ sở nhà nước pháp quyền, sống và làm việc theo pháp luật.

Quyền hạn, trách nhiệm của các Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư đã được quy định rất rõ trong Hiến định và Luật Luật sư. Luật sư khi hoạt động sẽ thực hiện theo các quy định tại Luật Luật sư và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư. Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư quy định khá rõ, chi tiết những hành vi Luật sư được làm, không được làm.

Luật sư xứng đáng nhận được sự tôn vinh

Một tài liệu nói đến nghề Luật sư, trong đó viết: “Nghề Luật sư được hình thành từ cuộc đấu tranh chống áp bức, bất công xã hội và chính từ hành động chống lại những bất công trong xã hội có giai cấp mà hình ảnh Luật sư xuất hiện như sự hiện diện của một đấng cứu thế, phản ánh ước vọng khát khao của các tầng lớp nhân dân về công bằng, dân chủ”. Từ thực tế hoạt động hành nghề Luật sư của mình, Luật sư Đào Ngọc Lý đã luận giải nội dung để thấy được vai trò và sự đóng góp của các Luật sư trong việc đảm bảo sự công bằng, dân chủ trong xã hội.

0536cb a7dccd2dc3874ac0a58babc24903a5aemv2

Luật sư Đào Ngọc Lý, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Theo đó, Luật sư Lý cho rằng, hiện tại và tương lai, nghề Luật sư Việt Nam sẽ ngày càng phát triển. Luật sư Lý cho rằng, vai trò của Luật sư là rất lớn, Luật sư không chỉ tham gia vào quá trình tố tụng mà còn tham gia xây dựng pháp luật. Trong đó, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng đã có những ban chuyên trách để các Luật sư thường xuyên thực hiện tuyên truyền, phổ biến trợ giúp pháp lý tại các thôn, làng trên địa bàn TP. Hà Nội và các tỉnh, thành, địa phương lân cận như Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La. Từ đó, Đoàn Luật sư nhận được sự tin yêu và quý mến của người dân và đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, trong hoạt động tố tụng, khi Luật sư có mặt thì quyền và nghĩa vụ của những đối tượng, đặc biệt là trong vụ án hình sự, sẽ được đảm bảo hơn, họ sẽ có tâm lý vững tin, có kiến thức pháp lý hơn, tránh những rủi ro pháp lý không đáng có, và sẽ hiểu hơn về địa vị pháp lý của mình trong xã hội.

Với sứ mệnh bảo vệ quyền con người và quyền công dân, bảo vệ công lý, bảo vệ nhà nước xã hội chủ nghĩa, Luật sư xứng đáng nhận được sự tôn vinh.

Đạo đức nghề nghiệp Luật sư là gốc

Ít có nghề nghiệp nào như nghề Luật sư, vừa có Luật Luật sư, vừa có Bộ Quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp. Các Luật sư khi hành nghề ngoài việc tuân thủ các quy định chung của pháp luật, cũng đồng thời phải thực hiện nghiêm túc Luật Luật sư và Bộ Quy tắc. Đánh giá về những quy định này, Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư ra đời quy định khá đầy đủ, thể hiện sự phát triển vượt bậc trong nghề Luật sư. Đạo đức nghề nghiệp cũng là một trong những nội dung quan trọng trong kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư. Từ đó cho thấy, đạo đức nghề nghiệp là gốc, có vai trò rất quan trọng đối với nghề Luật sư. Bộ Quy tắc như một định lượng để các Luật sư căn cứ vào đó nhằm tránh các hành vi vi phạm.

Vì vậy, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư là rất cần thiết, phù hợp, là sức mạnh tạo điều kiện cho Luật sư hành nghề.

0536cb 55929ff27fa447e9ae5fb64184682b22mv2

Nghề Luật sư là nghề rất đặc thù với các đặc điểm, như: Hoạt động độc lập, có trách nhiệm cao, tác động lớn đến các hoạt động khác trong xã hội. Làm rõ hơn những tác động của nghề Luật sư, của hoạt động hành nghề Luật sư đối với xã hội nói chung và tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của nước ta nói riêng, Luật sư Tiền cho biết, nghề Luật sư muốn thành công thì phải tìm được lối đi riêng cho mình. Luật sư không chỉ tham gia tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý, có các bài viết nghiên cứu trong việc phản biện xã hội mà trong tố tụng và kinh tế, các tập đoàn, công ty lớn cũng cần sự hỗ trợ của Luật sư để đảm bảo việc thực hiện, tuân thủ các quy định của pháp luật. Như vậy, có thể thấy vai trò của Luật sư ngày càng vững mạnh trong cuộc sống hiện nay.

Làm tròn chức năng xã hội của Luật sư

Với kinh nghiệm trong quá trình hành nghề của mình, Luật sư Trịnh Văn Toàn đã có những chia sẻ để làm rõ hơn “chức năng xã hội của Luật sư”. Theo đó, Luật sư Toàn bày tỏ sự tự hào đối với nghề Luật sư. Vai trò của Luật sư đã được thể hiện rất rõ qua các quy định pháp luật, theo đó, thông qua hoạt động của mình, Luật sư làm rõ hơn các quy định của pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân; làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn;…

Với sự nỗ lực rất lớn của từng cá nhân các Luật sư, các Luật sư trẻ hiện nay đã được kế thừa rất nhiều các quyền và nghĩa vụ của người Luật sư, qua đó thấm nhuần các quy tắc hành nghề Luật sư. Từ đó, nghề Luật sư đã nhận được sự tôn trọng, nâng cao hơn về quyền và vị thế của Luật sư.

0536cb 8b046761b59349e6aee46e1ba626205emv2

Luật sư Trịnh Văn Toàn, Trưởng Văn phòng Luật ATK.

Ngoài hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý thì chức năng xã hội của Luật sư còn được thể hiện thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý. Đây là hoạt động thể hiện tinh thần phục vụ cộng đồng, sự cống hiến đối với xã hội của Luật sư và đội ngũ Luật sư. Từ thực tiễn hoạt động của bản thân, Luật sư Toàn cũng đã đưa ra đánh giá hiệu quả của công tác tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người dân của đội ngũ Luật sư. Theo đó, đối với Văn phòng ATK đã thực hiện rất nhiều chương trình trợ giúp pháp lý và nhận được sự quan tâm của người dân địa phương. Công tác tư vấn, hỗ trợ pháp lý không chỉ là lĩnh vực chuyên môn mà còn là nghĩa vụ của Luật sư.

Giải pháp nâng cao trách nhiệm xã hội của Luật sư

Để các Luật sư hoàn thành tốt nhất thiên chức và sứ mệnh của mình, nhất là trách nhiệm xã hội của Luật sư, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Luật sư cần không ngừng nỗ lực và học hỏi kinh nghiệm, kiến thức pháp luật; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; tuân thủ Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư để xác định rõ những việc gì nên làm, việc gì không nên làm; đồng thời tham gia cống hiến đối với cộng đồng, trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, bảo vệ công lý, bảo vệ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngoài ra, các Luật sư cũng cần nâng cao việc tự học hỏi như các lĩnh vực mới (chứng khoán, ngân hàng, sở hữu trí tuệ, trình độ ngoại ngữ,…) để đóng góp cho xã hội nhiều hơn nữa. Việc thực hiện tốt sứ mệnh, nhất là trách nhiệm xã hội của Luật sư sẽ được cộng đồng đánh giá cao, từ đó nâng cao vị thế và vai trò của Luật sư.

Chia sẻ thêm, Luật sư Đào Ngọc Lý cho rằng, nghề Luật sư đặc thù ở chỗ quy định rõ về trách nhiệm trợ giúp pháp lý trong Luật Luật sư. Điều này thể hiện rõ trách nhiệm của Luật sư đối với cộng đồng. Ngoài công tác đào tạo, quản lý, để cá nhân mỗi Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội, theo Luật sư Lý, các Luật sư cần nỗ lực, rèn luyện hơn nữa; nâng cao việc tự học tập, tích lũy kinh nghiệm từ các Luật sư đồng nghiệp, từ khách hàng và các lĩnh vực xung quanh; tích cực tham gia tư vấn pháp luật miễn phí;…

Đồng ý với những ý kiến của các Luật sư tại Tọa đàm, Luật sư Tiền cho rằng, các Luật sư cần hoàn thiện cá nhân, xây dựng hình ảnh cá nhân, có kiến thức, tình thương và tình người. Nhu cầu của xã hội đối với nghề Luật sư trong xã hội ngày càng lớn, vì vậy mỗi Luật sư cần cố gắng cống hiến, rèn luyện, tâm huyết hơn nữa để góp phần nâng cao vị thế nghề Luật sư.

Luật sư hành nghề ở hầu hết các lĩnh vực đời sống, chức năng của Luật sư, nghề Luật sư là hết sức đa dạng, liên quan đến hầu hết các chủ thể trong xã hội. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với Luật sư trong quá trình hành nghề không chỉ là tuân thủ pháp luật, có kỹ năng, kỷ luật, có trình độ chuyên môn mà còn phải một lòng vì chính nghĩa, tin tưởng vào công bằng xã hội, phải tận tâm, phải là người có tấm lòng yêu thương con người.

Tự hào với đội ngũ hơn 16 nghìn Luật sư Việt Nam, trên chặng đường hơn 77 năm hình thành và phát triển, đã luôn ý thức được vai trò, vị thế và trách nhiệm của mình với mong muốn đóng góp phần quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đóng góp cho cộng đồng và mỗi người dân.

Chương trình Tọa đàm giúp người dân và xã hội hiểu rõ hơn về nghề Luật sư để cùng đồng hành, hỗ trợ, tạo cơ hội cho đội ngũ Luật sư và nghề Luật sư phát triển, để các Luật sư xứng đáng là một trong các lực lượng chính đưa pháp luật vào của cuộc sống và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.