Đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Nhật Bản (Ngày làm việc thứ ba và thứ tư)

Trong 02 ngày 10/7-11/7/2024, Đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) đã di chuyển tới 02 thành phố là Kyoto và Osaka để có những buổi làm việc với Trung tâm Hòa giải quốc tế Nhật Bản tại Kyoto và Đoàn Luật sư tỉnh Osaka.

Thăm và làm việc với Trung tâm Hòa giải quốc tế Nhật Bản tại Kyoto (sáng ngày 10/7/2024)

Tại buổi tiếp, ông Ogura Takashi – Tổng Thư ký của Trung tâm Hòa giải quốc tế Nhật Bản tại Kyoto bày tỏ vui mừng khi được đón chào Đoàn công tác của LĐLSVN sang công tác tại Nhật Bản. Ông Takashi đã giới thiệu đôi nét về quá trình thành lập và hoạt động của Trung tâm. Hòa giải và hài hòa hóa các tranh chấp bắt nguồn sâu sắc trong văn hóa Nhật Bản.

1 4

Quang cảnh buổi làm việc

Trung tâm (là cơ quan chuyên về hòa giải quốc tế đầu tiên của Nhật Bản) được thành lập vào ngày 20/11/2018 và tọa lạc tại thành phố Kyoto là vùng trung tâm văn hóa của Nhật Bản. Trung tâm được vận hành bởi một Ủy ban trực thuộc Hiệp hội Trọng tài Nhật Bản và tiến hành hòa giải tranh chấp liên quan đến các giao dịch nước ngoài. Cơ cấu ủy viên của Trung tâm bao gồm các luật sư quốc tế, giáo sư đại học, v.v. Cơ sở vận hành và hoạt động của Trung tâm nằm trong khuôn viên trường Đại học Doshisha (trường đại học hàng đầu của Nhật Bản với lịch sử 140 năm) và Chùa Kodai-ji.

2 3

Tổng Thư ký Ogura Takashi giới thiệu về Trung tâm

Tính đến tháng 6/2023, Trung tâm có 57 hòa giải viên Nhật Bản và quốc tế, trong đó có 02 thành viên là người Việt Nam. Trung tâm hiện đang hướng tới thúc đẩy quốc tế hóa thông qua việc huy động sự tham gia của các chuyên gia và giáo sư đa quốc gia, đồng thời, xác định cách tiếp cận mới để giải quyết tranh chấp trong bối cảnh thời đại mới hiện nay. Hiện nay, Trung tâm cũng đang đẩy mạnh xúc tiến quan hệ hợp tác với các Trung tâm khác trong khu vực Châu Á.

Trung tâm Hòa giải quốc tế Nhật Bản tại Kyoto đã ký kết hợp tác với Trung tâm Hòa giải quốc tế Singapore vào tháng 9/2020 với mục đích thúc đẩy giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Sau khi lắng nghe phần giới thiệu từ vị Tổng Thư ký của Trung tâm Hòa giải quốc tế Nhật Bản tại Kyoto, LS. TS. Lưu Tiến Dũng – Phó Chủ tịch LĐLSVN đã chia sẻ khái quát về tình hình phát triển của Hòa giải tại Việt Nam và đánh giá về tiềm năng phát triển của phương thức hòa giải trong tương lai.

3 3

Luật sư Lưu Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam chia sẻ về tình hình phát triển Hòa giải tại Việt Nam

Các thành viên trong Đoàn công tác đã trao đổi một số nội dung để hiểu rõ hơn về các hoạt động của Trung tâm Hòa giải quốc tế Nhật Bản tại Kyoto như số lượng vụ việc trong nước do Trung tâm giải quyết, cách thức để thu hút các bên tham gia hòa giải, quy tắc ứng xử của hòa giải viên, nguyên tắc bảo mật thông tin, tổ chức các hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia hòa giải quốc tế, công tác đào tạo hòa giải viên.

4 3

Luật sư Bùi Quang Nghiêm trao đổi tại buổi làm việc

Thay cho lời kết, ông Ogura Takashi – Tổng Thư ký của Trung tâm bày tỏ thiện chí được có cơ hội hợp tác với các Trung tâm Hòa giải của Việt Nam và hai bên cần tăng cường phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ưu điểm của phương thức hòa giải để Nhật Bản và Việt Nam có thể được lựa chọn là địa điểm hòa giải, từ đó nâng cao hình ảnh và vị thế của Trung tâm hòa giải ở mỗi nước.

5 1

Luật sư Lưu Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam trao quà lưu niệm cho Trung tâm Hòa giải quốc tế Nhật Bản tại Kyoto

Buổi đi thăm Chùa Kodai-ji – một trong những địa điểm hoạt động của Trung tâm Hòa giải quốc tế Nhật Bản tại Kyoto (chiều ngày 10/7/2024)

Sau buổi làm việc, Đoàn đã đi thăm Chùa Kodai-ji, một ngôi chùa được thành lập vào năm 1606 bởi bà Kita-no-Mandokoro (còn được gọi là Nene) để tưởng nhớ người chồng quá cố là Tướng quân Toyotomi Hidetoshi. Điều gây ấn tượng với Đoàn là ngôi chùa này cũng được lựa chọn là một trong những địa điểm sử dụng cho hoạt động hòa giải của Trung tâm Hòa giải quốc tế Nhật Bản tại Kyoto.

6 2

Vị sư trụ trì của nhà chùa giới thiệu về lịch sử của Kodai-ji


8 3

Đoàn công tác chụp hình lưu niệm

Tham dự buổi tiệc chào mừng do Đoàn Luật sư Osaka tổ chức (tối ngày 10/7/2024)

Sau chuyến thăm Chùa Kodai-ji, Đoàn công tác đã di chuyển tới trụ sở của Đoàn Luật sư Osaka để dự buổi tiệc chào mừng do phía bạn tổ chức. Osaka là thành phố lớn thứ ba tại Nhật Bản với dân số hơn 8,8 triệu người.

9 1

Quang cảnh thành phố từ trên tầng 12 của Tòa nhà Trụ sở Đoàn Luật sư Osaka

Ngay khi đặt chân lên tầng 12 là địa điểm diễn ra buổi tiệc, các thành viên trong Đoàn công tác đã thực sự ấn tượng bởi thiết kế không gian văn phòng tuyệt đẹp nơi đây. Vị trí đắc địa của tòa nhà ôm trọn lấy không gian của thành phố, ở đó là khung cảnh bao la của trung tâm sầm uất với những tòa nhà nằm dọc bên bờ con sông Dotonbori.

Ông Fujimoto Ichiro – Chủ nhiệm Ủy ban Giao lưu quốc tế của Đoàn Luật sư Osaka bày tỏ niềm vinh dự được chào đón các luật sư đồng nghiệp Việt Nam tới Nhật Bản. Ông mong muốn thông qua các buổi giao lưu giữa đội ngũ luật sư hai nước, quan hệ hợp tác giữa hai bên sẽ ngày càng bền chặt, hỗ trợ tích cực cho cộng đồng người dân và doanh nghiệp sinh sống và làm việc ở mỗi nước.

Đáp lời ông Fujimoto, LS. Lưu Tiến Dũng cảm ơn sự tiếp đón chu đáo và tình cảm nồng hậu mà các luật sư Nhật Bản dành cho Đoàn công tác, đồng thời cũng bày tỏ sự ấn tượng với kiến trúc tuyệt đẹp của tòa nhà trụ sở của Đoàn Luật sư.

10 1LS. TS. Lưu Tiến Dũng cảm ơn sự tiếp đón của Đoàn Luật sư Osaka

Buổi tiệc đã diễn ra trong không khí thân tình, ấm áp giữa các luật sư đồng nghiệp hai bên.

Tìm hiểu về cơ cấu tổ chức và hoạt động của Đoàn Luật sư tỉnh Osaka (sáng ngày 11/7/2024)

Sáng ngày 11/7/2024, Đoàn công tác đã có buổi làm việc tại trụ sở Đoàn Luật sư Osaka. Luật sư Hayashi Naomi, Phó Chủ tịch kiêm Chủ tịch Ủy ban quốc tế của Đoàn Luật sư Osaka, thành viên Ban Ban Điều hành Liên hội Luật sư Nhật Bản đã giới thiệu về lịch sử hình thành, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Đoàn.

Đoàn Luật sư Osaka được thành lập vào năm 1926. Hiện nay, số lượng thành viên của Đoàn là 5018 luật sư và 259 tổ chức hành nghề luật sư. Số lượng luật sư nữ trong Đoàn là 976, chiếm 19% số lượng thành viên Đoàn. Đoàn có định hướng phát triển số luật nữ chiếm 30% Đoàn và 20% số luật sư nữ nằm trong các vị trí lãnh đạo của tổ chức.

11

Luật sư Hayashi Naomi giới thiệu về hoạt động của Đoàn Luật sư Osaka

Về cơ cấu tổ chức, Đoàn Luật sư có 01 Chủ tịch, 07 Phó Chủ tịch và hơn 70 ủy ban, đơn vị trực thuộc (28 Ủy ban thường vụ , 27 Ủy ban đặc biệt, 15 hội đồng).

Đoàn Luật sư Osaka thực hiện nhiều hoạt động khác nhau nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của con người và thực hiện công bằng xã hội theo đúng mục đích ghi tại Điều 1 Luật Luật sư. Các Ủy ban, đơn vị chuyên môn của Đoàn hoạt động với trọng tâm là nghiên cứu, khảo sát về các lĩnh vực hành nghề đa dạng và đáp ứng yêu cầu về tư vấn, giải quyết các vấn đề của xã hội, có thể kể đến như hội đồng thẩm vấn về tranh chấp nhà ở, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ quyền trẻ em, đối phó bạo lực hay mô hình Nhóm Dự án nghiên cứu, khảo sát về các vấn đề trong xã hội. Hơn nữa, nhằm nâng cao các dịch vụ pháp lý cho công dân, Trung tâm tư vấn pháp lý tổng hợp và các cơ quan khác đã được thành lập và tiến hành tư vấn pháp lý các đối tượng, cứu trợ nạn nhân, nghiệp vụ giới thiệu luật sư, v.v.

Chào xã giao Lãnh đạo Đoàn Luật sư Osaka (sáng ngày 11/7/2024)

Cũng trong sáng ngày 11/7/2024, Đoàn công tác của LĐLSVN đã có buổi gặp và chào xã giao Ban Lãnh đạo Đoàn Luật sư Osaka.

12

Chủ tịch Đoàn Luật sư Osaka phát biểu

Tiếp đón Đoàn công tác, Luật sư Osuna Hiroyuki – Chủ tịch Đoàn Luật sư Osaka hoan nghênh Đoàn công tác của LĐLSVN sang thăm và làm việc với Đoàn Luật sư Osaka. Vị Chủ tịch hồi tưởng lại chuyến công tác tới Việt Nam cách đây 15 năm và bày tỏ sự ngưỡng mộ với tốc độ phát triển của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Ông hy vọng sẽ có dịp gần nhất được sang thăm Việt Nam để chứng kiến sự thay đổi khởi sắc của Việt Nam.

Luật sư Lưu Tiến Dũng cảm kích trước sự tiếp đón nồng hậu của Đoàn Luật sư Osaka. Phó Chủ tịch Liên đoàn đã chia sẻ về ký ức lần đầu tới thăm thành phố Osaka nhiều năm về trước với sự ngạc nhiên về sự phát triển đi lên của thành phố Osaka trong lần trở lại này.

13

Luật sư Lưu Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam chia sẻ
về mối quan hệ Việt – Nhật

Nhấn mạnh về mối quan hệ Việt – Nhật, LS. Lưu Tiến Dũng đánh giá cao về sự hỗ trợ to lớn và tình cảm đặc biệt của Nhật Bản trong suốt chặng đường phát triển của Việt Nam. Phó Chủ tịch Liên đoàn cho rằng luật sư hai nước có nhiều dư địa để phát triển các dịch vụ pháp lý, cung cấp cho cộng động người dân và doanh nghiệp rất lớn của mỗi nước đang sinh sống và hoạt động ở nước sở tại.

Học tập chuyên đề “Kỹ năng của luật sư trong hòa giải thương mại quốc tế” (chiều ngày 11/7/2024)

Buổi chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã tham dự buổi thuyết trình với chuyên đề “Kỹ năng của luật sư trong hòa giải thương mại quốc tế” của Luật sư Nishihara Kazuhiko – Phó Chủ nhiệm Ủy ban quốc tế kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban đạo đức nghề nghiệp của Đoàn Luật sư Osaka và cũng là Tổng Thư ký đầu tiên của Trung tâm Hòa giải quốc tế Nhật Bản tại Kyoto.

Mở đầu bài thuyết trình, ông Nishihara giới thiệu về 04 phương thức giải quyết tranh chấp (Tòa án, Trọng tài, Hòa giải, Thương lượng) và so sánh các phương thức này dựa trên các tiêu chí về người tiến hành giải quyết, tính linh hoạt của thủ tục và trọng tâm.

14

Luật sư Nishihara Kazuhiko trình bày về chuyên đề

Ông cũng giới thiệu thêm về hiệu lực thi hành phán quyết nước ngoài tại Nhật Bản. Trong đó, điều kiện công nhận và cho thi hành phán quyết nước ngoài tại Nhật Bản (Điều 118 Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 5 Điều 24 Luật thi hành án dân sự) bao gồm: (1) Là phán quyết chung thẩm, (2) Do Tòa án nước ngoài có thẩm quyền giải quyết, (3) Đã có tống đạt hoặc yêu cầu phản tố, (4) Không vi phạm trật tự công và thuần phong mỹ tục của Nhật Bản, (5) Bảo đảm nguyên tắc có đi có lại. Ngoài ra, Phán quyết của Tòa án nước ngoài từ các quốc gia như Virginia, California, Minnesota, Hawaii, Queensland, Úc, Đức và Hàn Quốc,v.v. được công nhận và cho thi hành tại Nhật Bản. Nhật Bản cũng là thành viên của Công ước Singapore về Hòa giải thương mại quốc tế.

Tiếp đến, ông trình bày về kỹ năng cần có của luật sư khi tham gia Hòa giải thương mại quốc tế như nắm vững cơ chế và quy trình thủ tục hòa giải, kỹ năng đàm phán, các kỹ năng về hòa giải như phương pháp hòa giải thúc đẩy và phương pháp hòa giải đánh giá.

15

Luật sư Đỗ Trọng Hải đặt câu hỏi cho vị giảng viên

Các luật sư của Đoàn công tác đã trao đổi một số vấn đề với ông Nishihara để làm rõ một số nội dung như chính sách thu hút, khuyến khích các luật sư tham gia hòa giải; cách thức tính phí, thù lao cho hòa giải viên; việc trích dẫn điều khoản về việc áp dụng Công ước Singapore trong thỏa thuận hòa giải thương mại,.v.v.

Hai ngày làm việc tại Kyoto và Osaka của Đoàn công tác đã kết thúc với những trải nghiệm đáng nhớ từ những chuyến tham quan trụ sở của các tổ chức, sự tiếp đón thân tình của Ban Lãnh đạo của các tổ chức và những chia sẻ chuyên sâu của các luật sư Nhật Bản về lĩnh vực Hòa giải thương mại quốc tế.

Theo khuôn khổ chương trình công tác, ngày học tập cuối cùng (12/7/2024) của Đoàn sẽ diễn ra tại trụ sở Liên hội Luật sư Nhật Bản với 03 chuyên đề về Luật tư pháp người chưa thành niên, Quy định về xử lý kỷ luật theo Luật Luật sư Nhật Bản và Hệ thống luật sư nước ngoài tại Nhật Bản./.

Luật sư Đỗ Trọng Hải
UVHĐLSTQ
Phó Chủ nhiệm Ủy ban XDPL & TGPL LĐLSVN