Đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Nhật Bản (Ngày làm việc thứ hai: Học tập các chuyên đề về lĩnh vực trọng tài thương mại quốc tế )

Ngày 9/7/2024, Đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) tiếp tục chương trình học tập tại Liên hội Luật sư Nhật Bản (JFBA) với 03 chuyên đề trải dài trong cả ngày về chủ đề Trọng tài thương mại quốc tế.

Chuyên đề “Tổng quan về Trọng tài thương mại quốc tế”

Trong buổi sáng của ngày học tập thứ hai tại Nhật Bản, Đoàn công tác đã học tập về chuyên đề “Tổng quan về Trọng tài thương mại quốc tế” với sự trình bày của Luật sư Tomoki Yanagisawa – Văn phòng Luật sư TMI, Thành viên của “Nhóm công tác của JFBA liên quan đến Trọng tài Thương mại và Đầu tư Quốc tế trong Giải quyết tranh chấp thay thế”, một người đã có kinh nghiệm 20 năm trong lĩnh vực Trọng tài quốc tế. Mở đầu buổi học tập, vị giảng viên chia sẻ kể từ năm nay, Luật Trọng tài thương mại quốc tế sửa đổi của Nhật Bản đã được đưa vào sử dụng. Việc áp dụng của Luật mới này đã bám sát hơn với thông lệ quốc tế.

1 2

Luật sư Tomoki Yanagisawa – Giảng viên trong buổi học tập sáng ngày 9/7/2024

Luật sư trình bày về khái niệm Trọng tài quốc tế và đồng thời chỉ ra sự khác nhau giữa tố tụng và trọng tài về căn cứ đưa ra phán quyết, tính bảo mật thông tin, lựa chọn người phán quyết, kháng cáo phán quyết và khả năng có thể thi hành tại nước ngoài.

Ông Tomoki đã giới thiệu khái quát về Luật Trọng tài của Nhật Bản, Luật dựa trên Luật Mẫu UNCITRAL, Công ước New York, các hiệp định được ký kết giữa Nhật Bản và các nước, quy tắc tố tụng trọng tài của tổ chức trọng tài. Bên cạnh đó, ông cũng đã phân tích các yếu tố cần đề cập trong Thỏa thuận trọng tài và trình tự các bước trong quy trình tố tụng trọng tài.

Điều khoản trọng tài mẫu (Hiệp hội Trọng tài thương mại Nhật Bản) có nêu mọi tranh chấp, tranh cãi hoặc bất đồng ý kiến phát sinh từ, hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết cuối cùng bằng trọng tài tại Hiệp hội Trọng tài thương mại Nhật Bản, theo Quy tắc tố tụng trọng tài thương mại của Hiệp hội này (địa điểm trọng tài là tại Tokyo).

Trong nhiều vụ việc, các bên có thể hòa giải ngay cả khi đã mở thủ tục trọng tài. Trong trọng tài quốc tế, hiếm khi Trọng tài viên tham dự vào việc hòa giải. Nội dung thỏa thuận hòa giải có thể trở thành phán quyết trọng tài theo yêu cầu của các bên đương sự.

1 3

Các thành viên của Đoàn công tác trao đổi cùng vị giảng viên

Chuyên đề “Công việc thực tiễn của Trọng tài viên trong Trọng tài thương mại quốc tế”

Buổi chiều cùng ngày, Luật sư Yoshihata Hatakawa, Giáo sư Khoa Luật, Đại học Rikkyo, luật sư thành viên của Văn phòng Luật sư Uryu Itoga đã trình bày về chuyên đề “Công việc thực tiễn của Trọng tài viên trong Trọng tài thương mại quốc tế”.

2 2

Giáo sư Yoshihata Hayakawa chia sẻ về thực tiễn của Trọng tài viên trong

Mở đầu bài giảng, Luật sư Yoshihata đã có những phân tích chi tiết về trình tự tiến hành thủ tục tố tụng trọng tài thương mại quốc tế. Vị giáo sư đã chia sẻ từ kinh nghiệm hành nghề của bản thân về thủ tục tố tụng trọng tài, theo đó, có 2 hệ thống đó là hệ thống theo Luật Anh-Mỹ sẽ cố gắng để các bên đương sự chủ động càng nhiều càng tốt và Hệ thông Luật Châu Âu lục địa, trong đó Hội đồng trọng tài sẽ là người dẫn dắt chính. Đối với những Trọng tài viên nổi tiếng, cần phải chú ý đến lượng thời gian và công sức mà họ dành cho vụ việc tố tụng.

3 2

Luật sư Bùi Quang Nghiêm – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát hỗ trợ luật sư của LĐLSVN đặt câu hỏi cho Giáo sư Yoshihata

Trong phần trao đổi, thảo luận, các luật sư của Đoàn công tác đã nêu ra một số vấn đề để Luật sư Yoshihata phân tích rõ hơn về đặc thù của Trọng tài thương mại Nhật Bản như giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, quy định về số lần các đương sự cung cấp chứng cứ, quy định về thời gian để các đương sự trình bày về vụ việc, số lượng thành viên của JFBA là Trọng tài viên quốc tế,v.v..

Chuyên đề “Nghiệp vụ thực tế của người đại diện trong trọng tài thương mại quốc tế”

Mở đầu chuyên đề thứ hai trong buổi chiều, Luật sư Naoki Takahashi đã chia sẻ từ quan điểm cá nhân về hiện trạng trọng tài thương mại quốc tế của Nhật Bản. Vị luật sư cho biết không có nhiều vụ việc trọng tài thương mại quốc tế trong đó các bên đương sự là doanh nghiệp Nhật Bản và cũng không có nhiều số vụ việc trọng tài thương mại quốc tế chọn Nhật Bản làm địa điểm trọng tài. Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản còn chưa có nhận ​​thức đầy đủ về Trọng tài thương mại quốc tế. Số lượng luật sư Nhật Bản có kinh nghiệm làm người đại diện trong Trọng tài thương mại quốc tế không nhiều. Do đó, Chính phủ Nhật Bản và các tổ chức tư nhân đang nỗ lực hợp tác nhằm thúc đẩy trọng tài quốc tế.

2222

Luật sư Naoki Takahashi trình bày chuyên đề cuối cùng trong ngày học tập 8/7/2024 của Đoàn công tác

Tiếp đến, Luật sư Takahashi đã trình bày về nghiệp vụ thực tế của người đại diện về Trọng tài thương mại quốc tế. Sau đó, ông đã chỉ ra những điểm khác biệt giữa trọng tài và hòa giải, đồng thời đưa ra những ưu điểm của trọng tài, với tư cách là một phương tiện để giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế so với tranh tụng.

Ngoài ra, vị giảng viên cũng trình bày một số kiến thức, thông tin về những hạng mục cơ bản cần đưa vào điều khoản trọng tài, quy định về các hạng mục phải nêu trong Đơn khởi kiện trọng tài và Bản tự bảo vệ trong quy tắc của các tổ chức trọng tài và nêu lên một số điểm khác biệt giữa thủ tục tố tụng trọng tài quốc tế so với thủ tục tố tụng dân sự tại tòa án của Nhật Bản. Luật sư Takahashi cũng liệt kê những lý do được cho là chính đáng khi các quốc gia là thành viên của Công ước New York từ chối công nhận và thi hành phán quyết (Khoản 1 và 2 Điều 5).

6 1

LS. TS. Lưu Tiến Dũng chia sẻ với các luật sư đồng nghiệp phía Nhật Bản về kinh nghiệm
đã từng tham gia giải quyết một số vụ việc trọng tài quốc tế

Các luật sư của Đoàn công tác đã trao đổi sôi nổi với các luật sư Nhật Bản để so sánh những điểm khác nhau giữa hệ thống pháp luật của Việt Nam và Nhật Bản. Những trao đổi tập trung vào một số nội dung như vấn đề về công bố mối quan hệ giữa Trọng tài viên với luật sư của một trong các bên đương sự, quy định về trường hợp việc phán quyết vi phạm trật tự công, làm rõ một số trường hợp để xác định tư cách là người đại diện của luật sư, số lượng vụ việc mà doanh nghiệp Nhật Bản đưa ra giải quyết bằng phương thức trọng tài,.vv.

7 2

Luật sư Đỗ Trọng Hải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng pháp luật và Trợ giúp pháp lý của LĐLSVN đặt câu hỏi cho giảng viên Takahashi

Ngày làm việc thứ hai của Đoàn công tác đã kết thúc với những kiến thức bổ ích giúp các thành viên của Đoàn hiểu thêm về pháp luật của Nhật Bản trong lĩnh vực Trọng tài thương mại quốc tế và thực tiễn hành nghề của các Trọng tài viên tại Nhật Bản.

Chương trình làm việc trong ngày hôm sau (10/7/2024) của Đoàn công tác bao gồm buổi thăm và làm việc tại Trung tâm Hòa giải quốc tế Nhật Bản tại Kyoto và gặp mặt Đoàn Luật sư tỉnh Osaka./.

Luật sư Đỗ Trọng Hải
UV HĐLST

Phó Chủ nhiệm UB XDPL & TGPL LĐLSVN