Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc tổng kết hoạt động năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023

Ngày 10/01/2023, Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động hành nghề Luật sư năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023.

63bd1fc2a758b

Năm 2022 với nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế – xã hội, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội nói chung và công tác hành nghề Luật sư nói riêng. Để thích ứng kịp thời với tình hình chung, Ban Chủ nhiệm và Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật của Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung triển khai hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm đã được Hội nghị toàn thể Đoàn Luật sư năm 2021 thông qua.

Theo đó, số lượng Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư Luật sư tăng, các Luật sư hoạt động đúng quy định của pháp luật, không có Luật sư vi phạm kỷ luật. Tập thể Đoàn Luật sư đoàn kết, có tinh thần đồng chí, đồng nghiệp, hỗ trợ lẫn nhau trong hành nghề; chất lượng hành nghề của Luật sư được nâng cao, vị thế của Luật sư ngày càng được xã hội ghi nhận. Các tổ chức hành nghề đã tạo được nhiều uy tín của Luật sư trong xã hội nói chung và giới doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ quyền lợi Luật sư được chú trọng.

Năm 2022, Đoàn đã phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh tổ chức 01 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ Luật sư cho 40 Luật sư của Đoàn; các Luật sư còn lại đã tự liên hệ với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư hoặc các đơn vị có chức năng tổ chức lớp bồi dưỡng để tham dự khóa bồi dưỡng; toàn Đoàn có 59 Luật sư hoàn thành khóa bồi dưỡng 8 giờ/năm.

Thực hiện quy định của Luật Luật sư và Quyết định của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam về thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của Luật sư, có 61/78 Luật sư đã hoàn thành nghĩa vụ trợ giúp pháp lý, thực hiện được 548 giờ.

63bd1fc28b629

Các Luật sư tham gia thảo luận tại Hội nghị.

Năm 2022, Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị, pháp lý do nhà nước yêu cầu. Về công tác xây dựng pháp luật, theo yêu cầu của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Đoàn đã cử Luật sư tham gia toàn diện vào các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc Hội. Kết quả năm 2022 toàn Đoàn đã tham gia góp ý kiến vào 06 dự thảo luật do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh yêu cầu. Cử Luật sư viết bài đóng góp chuyên sâu các dự thảo luật cho Đại biểu Quốc hội làm tư liệu phát biểu trên Hội trường Quốc hội.

Công tác tuyên truyền pháp luật, Đoàn tiếp tục cử Luật sư tham gia giải đáp pháp luật được 15 cuộc trên đài PTTH tỉnh; cử Luật sư tham gia 02 Hội nghị trực tuyến kết hợp trực tiếp tọa đàm theo chủ về thương mại điện tử và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, 01 cuộc tọa đàm về cưỡng chế thu hồi đất, 09 cuộc tuyên truyền pháp luật tại cơ sở do Luật sư Nguyễn Chí Dũng thực hiện nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo chuyên đề.

Về công tác cải cách tư pháp, Đoàn tiếp tục thực hiện công tác cải cách tư pháp và phòng chống tham nhũng. Hàng quý, 6 tháng và hàng năm đều gửi báo cáo về công tác cải cách tư pháp và phòng chống tham nhũng về Ban Nội chính Tỉnh ủy; tham dự đầy đủ các cuộc giao ban công tác Nội chính và phòng chống tham nhũng do thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc triệu tập.

Bên cạnh đó, thực hiện chương trình phối hợp giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc đã chọn cử 10 Luật sư tham gia tập huấn về trợ giúp pháp lý cho công dân và trực tiếp trực trợ giúp pháp lý tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội để trợ giúp pháp lý cho tổ chức, cá nhân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị nhằm giúp họ thực hiện đúng quyền, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, kiến nghị.

Tính đến ngày 31/12/2022, toàn Đoàn đã thực hiện được 824 vụ việc các loại. Trong đó, tham gia tố tụng (hình sự, dân sự, lao động, hành chính) được 106 vụ án; tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác 676 vụ, việc; trợ giúp pháp lý 42 việc, vụ việc.

Đoàn đã cử, phân công các tổ chức hành nghề Luật sư cử Luật sư tham gia tố tụng trong 41 vụ án hình sự cho cơ quan tiến hành tố tụng 3 cấp chỉ định, giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Cử Luật sư tham gia 100% các vụ án, vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng, Trung tâm Trợ giúp pháp lý của tỉnh Vĩnh phúc chỉ định hoặc theo yêu cầu.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai thực hiện Bộ Quy tắc Đạo đức ứng xử nghề nghiệp và Quy chế giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý kỷ luật do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành; tăng cường kiểm tra, giám sát Luật sư, người tập sự hành nghề Luật sư; thực hiện các nhiệm vụ chính trị pháp lý, cung cấp dịch vụ pháp lý theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt các quy chế phối hợp với Sở Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc; đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, tham gia vào công tác cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp của tỉnh; tích cực tham gia các chương trình xã hội nhân đạo do các ngành, các cấp phát động…

Cùng với đó, năm 2023, Đoàn phấn đấu thực hiện được 2.000 – 2.200 vụ, việc các loại, trong đó tham gia tố tụng từ 700 – 720 vụ án hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động. Không có Luật sư vi phạm pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Quy tắc Đạo đức ứng xử nghề nghiệp Luật sư. Kết nạp 15 Luật sư; phát triển từ 3 đến 5 tổ chức hành nghề Luật sư.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ năm 2023; 100% Luật sư hoàn thành chương trình bồi dưỡng bắt buộc về nghiệp vụ chuyên môn; 100% Luật sư hoàn thành nghĩa vụ trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của Luật Luật sư và Quyết định của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.