Chiều ngày 29/10/2024, tại Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) tại các vùng sâu, vùng xa”. Đây là chuỗi sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam” do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Tham dự Hội thảo có nhiều chuyên gia pháp lý và đông đảo giới luật sư trong cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, trong những năm qua, thực hiện Luật Luật sư, Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) và các văn bản hướng dẫn thi hành, đội ngũ luật sư Việt Nam đã tích cực tham gia nhiều hoạt động tư vấn pháp luật, TGPL miễn phí cho người nghèo, các đối tượng yếu thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa. Hội thảo là cơ hội để các luật sư cùng trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm lẫn nhau khi thực hiện TGPL cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, giúp họ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia vào các quan hệ pháp luật trong đời sống xã hội. Trong cuộc hội thảo ngày hôm nay, các chuyên gia Dự án JICA sẽ chia sẻ những kinh nghiệm của luật sư Nhật Bản khi triển khai công tác này. Đây là những nội dung rất quý giá để luật sư Việt nam tham khảo, qua đó thực hiện công tác này hiệu quả và tốt hơn.
“Tôi cho rằng, hội thảo này cần được thực hiện thường xuyên tại các Đoàn luật sư trong cả nước để các luật sư nâng cao ý thức phục vụ cộng đồng trong hoạt động TGPL”, Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Với tham luận về vai trò và vị trí của luật sư trong công tác trợ giúp pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Hà Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho rằng, TGPL là một chính sách mang tính nhân văn, nhằm hỗ trợ những người yếu thế và có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Chính sách này giúp họ tiếp cận các dịch vụ pháp lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp mà không phải chịu chi phí. Để chính sách này được thực hiện có hiệu quả, sự tham gia của luật sư là vô cùng quan trọng. TGPL không chỉ là quyền lợi, mà còn là trách nhiệm của luật sư, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền và khẳng định vai trò của nghề luật sư trong xã hội.
Theo Báo cáo số 46 ngày 09/11/2023 về tổng kết công tác tư pháp năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ giải pháp công tác năm 2024 của Trung tâm TGPL Nhà nước, Sở Tư pháp TP. Hồ Chính Minh, có 1.221 luật sư tham gia TGPL, so với số lượng trợ giúp viên pháp lý chỉ là 184 người. Điều này thể hiện vai trò, vị trí của luật sư trong công tác TGPL là rất to lớn.
Theo Luật sư Hà Hải, số lượng luật sư tham gia TGPL chủ yếu vẫn theo việc ký hợp đồng cá nhân với Trung tâm TGPL. Trong khi đó, số lượng luật sư tham gia theo sự phân công của tổ chức ký hợp đồng/đăng ký thực hiện TGPL là rất thấp hoặc gần như không có. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Khó khăn về kinh phí, do cách xa về mặt địa lý và phương tiện hỗ trợ… Thực tế cho thấy, cần thay đổi mức thù lao của luật sư tham gia TGPL và mở rộng phạm vi hoạt động của các Trung tâm TGPL.
“Việc kiến nghị Chính phủ các cơ quan ban ngành cần xây dựng phương án, đưa ra một mức thù lao phù hợp, xứng đáng hơn với công sức mà luật sư đã bỏ ra để thực hiện công việc TGPL. Ngoài ra, cần mở rộng số lương Trung tâm TGPL tại mỗi địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân có thể trực tiếp liên hệ với TGPL. Tuyên truyền, hỗ trợ và tạo điều kiện để luật sư tham gia TGPL. Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần quan tâm hơn trong việc lãnh đạo công tác TGPL, trong khi Sở Tư pháp, các Đoàn luật sư địa phương cần đẩy mạnh tổ chức và thực hiện các hoạt động TGPL. Cuối cùng là nâng cao vài trò của luật sư trong việc xây dựng chính sách và thực hiện công tác TGPL”, Luật sư Hà Hải nêu ý kiến.
Thực tiễn thực hiện TGPL của luật sư cho người dân tại khu vực miền núi phía bắc đang gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. Luật sư Trần Ngọc, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Yên Bái cho biết: “Khu vực miền núi phía bắc gồm 11 tỉnh, thành phố. Đây là khu vực có diện tích khá rộng (khoảng 84.244km2, bằng khoảng 25% diện tích cả nước, địa hình núi non hiểm trở, kinh tế chậm phát triển, là nơi sinh sống của 30 dân tộc thiểu số… Chúng tôi luôn xác định, công tác TGPL (đặc biệt là người dân cư trú tại vùng sâu, vùng xa) là nghĩa vụ của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương. Cụ thể, luật sư thường xuyên tư vấn pháp luật và TGPL miễn phí tại trụ sở của các tổ chức hành nghề luật sư cho người dân là đối tượng chính sách và đối tượng yếu thế trong xã hội… Đây là hình thức TGPL cho người dân ít tốn kém về chi phí nhưng lại được duy trì ổn điịnh thường xuyên và có hiệu quả nhất hiện nay”.
Luật sư Hà Hải kiến nghị: “Chúng ta nên xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung TGPL đa dạng và phù hợp với nhu cầu của người dân; Phát triển đội ngũ luật sư tham gia hoạt động TGPL thường xuyên cho người dân; Phối hợp chặt chẽ và tranh thủ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương trong hoạt động TGPL cho người dân; Có sự hỗ trợ cho người dân đến yêu cầu TGPL”.
Ông Tsukahara Masanori, Chuyên gia Dự án JICA giới thiệu mô hình TGPL hiệu quả tại đất nước Nhật Bản, thông qua 04 trụ cột chính. Đó là: Trung tâm TGPL Nhật Bản; Văn phòng luật sư Quỹ Hoa hướng dương; Sự phối hợp của cơ quan hành chính địa phương; Và cuối cùng là luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư. 04 trụ cột này cùng tham gia hoạt động TGPL. Ví dụ, tại Trung tâm TGPL Nhật Bản, thì giám đốc là luật sư và Trung tâm được quyền tuyển nhân viên là các luật sư. Chính phủ dành ngân sách cho Trung tâm, có văn phòng ở 103 địa phương trên toàn đất nước Nhật Bản. Luật sư được hưởng lương tháng tại Trung tâm. Không chỉ người dân Nhật Bản được TGPL, kể cả người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản cũng được TGPL miễn phí theo chính sách của Nhà nước.
Tham luận của Luật sư Hồ Thị Xuân Hương, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Tháp cho biết, số lượng luật sư tại Đồng bằng sông Cửu Long còn ít so với nhu cầu của xã hội. Một số tổ chức hành nghề luật sư vẫn còn quan niệm TGPL là công việc của cá nhân luật sư đối với Trung tâm TGPL, đối tượng được TGPL. Vì vậy, việc phối hợp, hỗ trợ, đóng góp tài chính, sử dụng trí tuệ của tập thể luật sư để phục vụ việc TGPL vẫn mang tính chất riêng lẻ, từ phát, tự chịu trách nhiệm. Đây được xem là hạn chế, khó khăn nội tại trong lực lượng luật sư ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.
Luật sư Hồ Thị Xuân Hương kiến nghị: “Đề xuất sửa đổi Luật phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 và các văn bản hướng dẫn; Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về công tác TGPL; Hợp tác quốc tế về công tác TGPL với các nước trên thế giới.
Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, trong nhiều năm qua, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội thực hiện làm tốt các công tác về TGPL. Tuy nhiên, theo Luật sư, hiện nay, chúng ta tiếp cận TGPL mới chỉ dừng lại ở Luật TGPL, nếu chúng ta cứ bám theo ý này thì vai trò luật sư sẽ bị hạn chế, vì nhiều đối tượng khác không quy định trong Luật sẽ không được TGPL miễn phí.
“Các Đoàn Luật sư nên xây dựng kế hoạch và truyền đạt đến từng tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư. TGPL là xứ mệnh của luật sư, tất cả phải có sự đồng lòng của giới luật sư thì công tác TGPL mới đạt hiệu quả cao”, Luật sư Nguyễn Văn Hà nêu ý kiến.
Luật sư Vũ Trung Kiên, Đoàn luật sư tỉnh Tuyên Quang đóng góp ý kiến: “Luật sư khó tiếp cận TGPL vì không ký hợp đồng với Trung tâm TGPL của Nhà nước. Trong khi nhiều vụ án hình sự diễn ra, rất cần luật sư tham gia TGPL. Hiện, ở Tuyên Quang có 27 luật sư, nhưng chỉ có 04 luật sư được tham gia TGPL. Có nhiều vụ án, một trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho 03-04 bị cáo, trong khi đó số lượng luật sư thì nhiều nhưng không được tham gia TGPL. Đây là một bất cập về thể chế, cần được các cấp xem xét để luật sư ở các khu vực miền núi được tham gia TGPL”.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam đánh giá cao những ý kiến chia sẻ tại hội và trong thời gian tới sẽ đóp góp ý kiến với các ban ngành để công tác TGPL đạt hiệu quả cao hơn.