Hội thảo “Tổng kết hoạt động truyền thông trong năm 2022 và phương hướng truyền thông năm 2023 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam”

Chiều ngày 27/12/2022, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tổ chức Hội thảo “Tổng kết hoạt động truyền thông trong năm 2022 và phương hướng truyền thông năm 2023 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam”.

63aaf1be6614c

Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về phía Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản có ông Tsukahara Masanori, Chuyên gia Dự án JICA.

Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tham dự Hội thảo có Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư, Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Diệp Thị Hoài Nam, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng pháp luật và trợ giúp pháp lý; Luật sư Trần Văn An, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp ứng xử Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Thị Hương Lan, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế tài chính; Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát và hỗ trợ Luật sư; Nhà báo Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam; Nhà báo Trần Mạnh Quyết, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam.

Mỗi Luật sư cũng là một truyền thông viên

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, Liên đoàn sẽ có nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện hoạt động truyền thông, không chỉ có Tạp chí và cơ quan truyền thông như hiện nay; nhằm đóng góp vào sự phát triển của công tác truyền thông Luật sư.

“Truyền thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và của giới Luật sư, bản thân mỗi Luật sư cũng là một truyền thông viên, truyền thông đến khách hàng, đến cơ quan liên quan để người dân hiểu hơn và tôn vinh nghề Luật sư”, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhấn mạnh.

63aaf1f095772

Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Đồng thời, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng yêu cầu các Đoàn Luật sư, các cơ quan của Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tham gia vào công tác truyền thông để giúp mọi người hiểu, và biết được những đóng góp về xây dựng pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người của giới Luật sư.

“Hoạt động truyền thông này chỉ đạt được kết quả, đáp ứng được những yêu cầu của thực tế và phát triển hơn khi có sự chung tay, góp sức, phối hợp của các ủy ban, đơn vị, các Đoàn Luật sư và của mỗi Luật sư. Hy vọng, tại buổi Hội thảo, các Luật sư sẽ đưa ra những ý kiến, trao đổi để phát triển hoạt động truyền thông của Liên đoàn trong thời gian tới”, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh yêu cầu.

Đẩy mạnh các hoạt động tọa đàm, sự kiện

Trình bày báo cáo kết quả hoạt động truyền thông năm 2022 và phương hướng năm 2023, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã khái quát một số hoạt động thời gian qua.

Theo đó, hoạt động nổi bật của Cơ quan Truyền thông trong năm 2022 như: Thiết lập quan hệ với các cơ quan truyền thông thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các cơ quan báo chí, đánh giá hoạt động báo chí, xuất bản của Tạp chí Luật sư Việt Nam; phối hợp với Ủy ban Quan hệ quốc tế, Liên đoàn Luật sư Việt Nam triển khai thực hiện các dự án JICA về truyền thông…

Về hoạt động của Tạp chí Luật sư Việt Nam, trong năm 2022 vừa qua, Tạp chí in đã duy trì phát hành các số tạp chí thường kỳ đảm bảo nội dung, hình thức, đúng kỳ hạn; tiếp tục cải tiến nội dung Tạp chí in theo hướng tạp chí nghiên cứu khoa học và trao đổi nghiệp vụ; chú trọng nâng cao nội dung tin, bài trên Tạp chí điện tử.

63aaf274a818a

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông, Liên đoàn Luật sư Việt Nam trình bày Báo cáo kết quả hoạt động truyền thông trong năm 2022 và đề xuất phương hướng hoạt động truyền thông năm 2023.

Đáng chú ý, ngày 06/7/2022, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã chính thức được Hội đồng Giáo sư nhà nước phê duyệt là tạp chí khoa học ngành luật được tính điểm khoa học từ năm 2022, đây là thành quả bước đầu được ghi nhận bởi giới khoa học đối với Tạp chí sau một thời gian phấn đấu nỗ lực trong việc cải thiện nội dung hình thức và chất lượng các bài viết.

Ngày 04/10/2022, Tạp chí Luật sư Việt Nam phối hợp cùng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt Chuyên mục “Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam” trên Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam. Chuyên mục duy trì xuất bản 01 tin, bài/ngày dưới dạng tư vấn, bài viết bình luận… của các Luật sư.

Về phương hướng công tác năm 2023, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, trong năm sẽ phối hợp với các tổ chức, đơn vị đẩy mạnh việc tổ chức sự kiện, tọa đàm; tích cực tham gia thực hiện Đề án Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đề án bình chọn Luật sư, tổ chức hành nghề tiêu biểu năm 2023;…

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, để hoàn thành những nhiệm vụ đó rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Ban Thường vụ, Thường trực Liên đoàn, các đơn vị, ủy ban thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Một số kinh nghiệm về truyền thông của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản

Tại Hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và triển khai hoạt động truyền thông của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản, ông Tsukahara Masanori, Chuyên gia Dự án JICA cho biết, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản thực hiện truyền thông và báo chí, như: Mạng xã hội, tin tức, tạp chí, báo, hoạt động xã hội và chiến dịch,…

Một số hình thức cụ thể được đại diện phía Nhật Bản đưa ra: Truyền thông báo chí (tổ chức họp báo, tổ chức hội thảo báo chí, phát hành thông cáo báo chí, trả lời các câu hỏi, tổ chức các buổi gặp gỡ thân mật với phóng viên,…); truyền tải thông tin trên trang web; truyền tải thông tin thông qua SNS (Twitter, Youtube,…); tạo áp phích, tờ rơi và sổ tay; tạo video và phát trên các phương tiện truyền thông khác; tổ chức các sự kiện truyền thông đến người dân; tổ chức các lớp học ngoại khóa của Luật sư (các chuyến tham quan nghiên cứu xã hội)…

63aaf2bf686e2

Ông Tsukahara Masanori, Chuyên gia Dự án JICA chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và triển khai hoạt động truyền thông của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản.

Theo ông Tsukahara Masanori cho biết, ở Nhật Bản, Ban Truyền thông đóng vai trò là bộ phận hành chính của Liên đoàn; và Phòng Truyền thông là cơ quan dưới sự quản lý trực tiếp của Ban Chấp hành sẽ đảm nhiệm toàn bộ hoạt động truyền thông của Liên đoàn. Nguồn lực chính cho các hoạt động của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản là từ phí thành viên của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản, nguồn lực của các hoạt động truyền thông cũng phụ thuộc vào phí thành viên.

Giải pháp nâng cao hoạt động truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đưa ra nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện, góp phần nâng cao hoạt động truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong thời gian tới.

Luật sư Trương Xuân Tám cho rằng, công tác truyền thông của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong năm vừa qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt là Tạp chí Luật sư Việt Nam.

Tạp chí đã ngày càng nâng cao chất lượng bài viết nghiên cứu, chuyên sâu; để lan tỏa hơn nữa công tác truyền thông.

Theo Luật sư Huỳnh Phương Nam, cần có người phát ngôn truyền thông của Liên đoàn để kiểm soát hơn nữa những thông tin sai, những hình ảnh phản cảm về Luật sư. Đồng thời, cơ quan truyền thông cũng cần nâng cao hơn nữa sự phối hợp với các ủy ban, đơn vị, Đoàn Luật sư,…

Bày tỏ sự đồng tình với báo cáo công tác truyền thông năm 2022, Luật sư Trần Văn An đánh giá rất cao những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua của cơ quan truyền thông. Từ đó, Luật sư An đề xuất bổ sung thêm trách nhiệm của Hội đồng Luật sư toàn quốc, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố và các Luật sư thành viên đối với hoạt động truyền thông.

63aaf43d5509b

Nhà báo Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Nhà báo Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam cho biết, để công tác truyền thông đạt hiệu quả cao hơn nữa thì các ủy ban, đơn vị thuộc Liên đoàn, các Đoàn Luật sư cần tích cực chủ động phối hợp, cung cấp thông tin với Tạp chí. Đồng thời, Tạp chí Luật sư Việt Nam sẽ có sự phân công, phối hợp cụ thể với các ủy ban, đơn vị trong thời gian tới.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đánh giá cao những ý kiến đóng góp tại Hội thảo. Trong đó, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị cơ quan truyền thông tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp và hoàn thiện Đề án truyền thông nhiệm kỳ III của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong thời gian tới để tổ chức thực hiện.

Đồng thời đề xuất trong năm 2023, Tạp chí Luật sư Việt Nam cần có từ 50 đến 100 cộng tác viên là các Luật sư uy tín; Liên đoàn cũng sẽ xây dựng kế hoạch để bồi dưỡng nghiệp vụ công tác truyền thông này.