LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM THAM DỰ HỘI NGHỊ LẦN THỨ 7 KHU VỰC CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG CỦA HIỆP HỘI LUẬT SƯ QUỐC TẾ

Thực hiện kế hoạch hoạt động đối ngoại đã được phê duyệt, với tư cách là thành viên Hiệp hội Luật sư Quốc tế (IBA), Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cử Đoàn công tác do Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam làm Trường đoàn tham dự Hội nghị lần thứ 7 khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2023 được tổ chức tại Singapore từ ngày 22/02/2023 đến 24/02/2023.

Trước đó, vào sáng ngày 20/2/2023, Đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có buổi thăm và làm việc với Hiệp hội Luật sư Singapore để trao đổi về triển vọng hợp tác giữa hai Hiệp hội trong thời gian tới.

Theo kế hoạch căn cứ vào chương trình của Hội nghị, Đoàn công tác sẽ tham dự buổi tiệc chào mừng vào tối ngày 22/02/2023 được tổ chức tại Phòng trưng bày quốc gia Singapore và buổi sáng Ngày 1 của Hội nghị ngày 23/02/2023 được tổ chức tại Khách sạn ParkRoyal Collection MarinaBay.

Hơn 300 luật sư từ 190 công ty luật trên toàn cầu đã tham gia hội nghị được tổ chức 02 năm một lần này, trong đó có các cuộc thảo luận về Bộ tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp, tài sản kỹ thuật số, luật riêng tư, thu hồi tài sản, chính sách pháp lý trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế, xử lý nợ xấu, thực trạng Mua bán & Sáp nhập tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Anh 1

Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh cùng các nữ luật sư Châu Á tại buổi tiệc chào mừng tối ngày 22/02/2023

Anh 2

Luật sư Trần Tuấn Phong – Chủ nhiệm Ủy ban Quan hệ quốc tế cùng Luật sư là thành viên
của Hiệp hội Luật sư Hàn Quốc

Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, ông Dinesh Dhillon, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Châu Á Thái Bình Dương (IBA) bày tỏ sự vui mừng khi được chào đón các luật sư đồng nghiệp tới từ các nước trên thế giới đã có mặt tại Singapore để tham dự Hội nghị lần thứ 7 khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hội nghị của khu vực đã được tổ chức theo hình thức trực tiếp, là dịp để duy trì các quan hệ cũ và thiết lập các quan hệ mới giữa các Luật sư trên toàn cầu, đồng thời được lắng nghe, chia sẻ, trao đổi trực tiếp với nhau, không chỉ về nghề luật mà cả văn hóa, con người, với cách tiếp cận giải quyết các vấn đề pháp lý khác nhau của các nền văn hóa khác nhau.

Trong video phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hiệp hội luật sư quốc tế, bà Almudena Arpón de Mendívil Gomez nêu bật tầm quan trọng của sự phối hợp giữa các tổ chức thành viên trong Hiệp hội và tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội trong giai đoạn 2023-2024 bao gồm nâng cao thượng tôn pháp luật, áp dụng phù hợp luật pháp và thông lệ quốc tế giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài, nâng cao hiệu quả tiếp cận công lý, tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cho các luật sư trẻ.

Anh 3

Video bài phát biểu khai mạc Hội nghị của Chủ tịch Hiệp hội luật sư quốc tế (IBA) 

Tiếp đến, ông Ramesh Vaidyanathan – đồng Chủ nhiệm của Ủy ban Châu Á Thái Bình Dương (IBA) đã khái quát về hoạt động của Ủy ban trong thời gian vừa qua, trong đó có việc thực hiện rất nhiều những hội thảo trực tiếp và trực tuyến để chia sẻ kinh nghiệm hành nghề của luật sư trong khu vực Châu Á, đặc biệt là các hội thảo được triển khai bởi Nhóm Trung Quốc và Ấn Độ. Qua đó, các luật sư trẻ trong khu vực Châu Á đã có cơ hội được học hỏi kinh nghiệm giúp nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng hành nghề.

Phiên 1 của Hội nghị là phần tham luận của diễn giả Sundaresh Menon – Chánh án Tòa án tối cao Singapore với chủ đề “Giải quyết tranh chấp tại điểm giao thoa giữa luật pháp trong nước và luật quốc tế: vấn đề đặt ra đối với Tòa án thương mại quốc tế”. Ông Sundaresh đã nêu lên tầm quan trọng về sự ra đời của các tòa án quốc tế và tầm nhìn cho các Tòa án Thương mại Quốc tế Singapore.

Anh 4

Chánh án Tòa án tối cao Singapore – ông Sundaresh Menon trình bày tham luận tại Phiên 1 của Hội nghị

Tòa án Thương mại Quốc tế Singapore (“SICC”) được thiết kế dựa trên nền tảng của một hệ thống tòa án trong nước hoạt động tốt và hướng tới tương lai. SICC cho phép các tòa án Singapore hưởng lợi từ chuyên môn của các thẩm phán quốc tế và những kinh nghiệm được trao đổi trong lĩnh vực tư pháp. Điều này cho phép các bên lựa chọn luật sư nước ngoài tư vấn cho họ trong các vụ kiện ở nước ngoài và tuân thủ bộ quy tắc tố tụng chuyên biệt phù hợp với việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế phức tạp.

Ngoài ra, các tòa án thương mại quốc tế như SICC thúc đẩy tiếp cận công lý trong nước và quốc tế. SICC tuyên bố công khai các phán quyết của mình, củng cố quy tắc điều chỉnh các giao dịch thương mại cho các chủ thể tham gia vào kinh doanh hoặc thương mại. SICC cũng đóng góp vào hệ thống tư pháp thương mại xuyên quốc gia, bằng cách thúc đẩy sự phát triển thống nhất và hài hòa của luật thương mại giữa các khu vực tài phán và củng cố luật pháp quốc tế.

Trong lĩnh vực luật tố tụng, Tòa án thương mại quốc tế có thể đóng vai trò là trung tâm kiểm soát của hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Họ thực hiện điều này bằng cách đưa ra phán quyết các xung đột về thẩm quyền giữa các tòa án cũng như giữa các tòa án và hội đồng trọng tài. Họ cũng có chuyên môn để xây dựng các tiêu chuẩn cho việc phân xử trọng tài và hòa giải trong vai trò giám sát và thực thi của họ.

Bằng cách phát triển, thúc đẩy và thực thi các quy tắc pháp lý như một phần của hệ thống tư pháp thương mại xuyên quốc gia, Tòa án thương mại quốc tế có thể giúp tăng cường hiệu quả của luật pháp quốc tế, song hành cùng với việc đảm bảo tiếp cận công lý ở cấp độ trong nước.

Dưới sự chủ trì của 02 thành viên Ban lãnh đạo của Ủy ban Hành nghề luật sư (IBA), phiên 2 trong buổi sáng ngày 23/02/2023 là một cuộc thảo luận bàn tròn về chuyên đề “Bộ tiêu chuẩn Môi trường-Xã hội-Quản trị doanh nghiệp (ESGs) song hành cùng các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (SDGs) của các hãng luật khu vực Châu Á Thái Bình Dương”  với sự tham gia của 05 diễn giả là các luật sư tới từ các hang luật của Singapore, Hồng Kông, Úc. Tại diễn đàn, các diễn giả đã chia sẻ những thách thức mà doanh nghiệp của họ đã phải đối mặt và bài học kinh nghiệm được áp dụng để thực hiện hiệu quả ESGs và SDGs.

Các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESGs) đang ngày càng mở rộng vượt quá khả năng đo lường và có những tác động nhất định đến lợi ích của doanh nghiệp và các lĩnh vực có liên quan, từ mô hình tiêu dùng đến quyết định đầu tư, khi nhận thức và sự tham gia vào ESG và SDGs nâng lên ở cấp độ doanh nghiệp, quốc gia và đặc biệt, khi các tổ chức tài chính tăng cường đánh giá các hoạt động thân thiện với ESG như một giá trị cốt lõi trong các mục tiêu đầu tư.

Các hãng luật, với tư cách là cố vấn cho các công ty về các vấn đề như tuân thủ và đạo đức cũng được yêu cầu tham gia tích cực vào ESG và SDGs, không chỉ ở phạm vi là một lĩnh vực hành nghề mà còn với tư cách là những người tham gia tích cực đóng góp vào ESG. Việc này nhằm tăng tính minh bạch trong quản trị, cũng như tính bền vững, đa dạng và hòa nhập về môi trường, tôn trọng quyền con người, thực hành thân thiện với môi trường.

Anh 5

Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại buổi sáng ngày 1 của Hội nghị

Chuyến công tác đã kết thúc tốt đẹp, các thông tin có được qua việc tham dự Hội nghị cũng như qua buổi làm việc với Hiệp hội Luật sư Singapore sẽ góp phần mở ra các hoạt động hợp tác trong tương lai giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các tổ chức Luật sư trong khu vực cũng như tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa đội ngũ Luật sư Việt Nam và đội ngũ Luật sư quốc tế.