Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng

(LSVN) – Ngày 18/8/2022, UBTV Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2022. Pháp lệnh này quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Đây là quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng nên phạm vi bài viết này là tập trung trình bày và phân tích một số quy định cần lưu ý trong Pháp lệnh này.

63596f9bd85cd

Ảnh minh họa.

I. Những quy định chung

1. Về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính

Hoạt động tố tụng có thể hiểu là toàn bộ quá trình mà cơ quan, người có thẩm quyền bao gồm cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Công an cấp xã, Đồn Công an theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính; Tòa án, Chánh án, Thẩm phán, Thư ký phiên họp thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND và Pháp lệnh Trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Cản trở hoạt động tố tụng được hiểu là hành vi gây trở ngại, khó khăn cho cơ quan người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tiến hành các hoạt động tố tụng mà cơ quan, người có thẩm quyền có nhiệm vụ giải quyết.

Phiên họp là bao gồm phiên họp giải quyết việc dân sự; phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính; phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; phiên họp xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và phiên họp khác trong hoạt động tố tụng.

Cơ quan, người có thẩm quyền là bao gồm cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Công an cấp xã, Đồn Công an theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính; Tòa án, Chánh án, Thẩm phán, Thư ký phiên họp thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND và Pháp lệnh Trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo quy định của Pháp lệnh thì hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

– Hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, cản trở hoạt động giải quyết vụ án, vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính mà không phải là tội phạm và theo quy định của Pháp lệnh này phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

– Hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, cản trở hoạt động giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND và Pháp lệnh Trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà không phải là tội phạm thì bị áp dụng xử phạt vi phạm hành chính như hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

2. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng bao gồm:

2.1. Cá nhân

Cá nhân là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là cá nhân quy định tại điểm a và điểm c, khoản 1, Điều 5 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi bổ sung năm 2020 bao gồm:

– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử lý vi phạm hành chính

– Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân bị xử lý vi phạm hành chính;

– Cá nhân nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam bị xử lý vi phạm hành chính;

– Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ theo quy định tại Điều 495 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 324 và khoản 1, Điều 325 của Luật Tố tụng hành chính.

– Luật sư là người tham gia tố tụng với tư cách:

+ Người bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự;

+ Người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính;

+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND, đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2.2. Tổ chức

Tố chức là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là tố chức quy định tại điểm b và điểm c, khoản 1, Điều 5 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, bao gồm:

– Tổ chức trong nước;

– Tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam bị xử lý vi phạm hành chính;

2.3. Trường hợp ngoại lệ

Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng quy định 02 trường hợp mặc dù có hành vi cản trở hoạt động tố tụng nhưng không bị xử phạt quy phạm hành chinh, đó là:

– Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 495 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 324 và khoản 1, Điều 325 của Luật Tố tụng hành chính.

– Trường hợp Hội thẩm thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng khi đang thực hiện nhiệm vụ của Hội thẩm thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của Luật Tổ chức TAND và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Hình thức xử phạt

Các hình thức xử phạt chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng bao gồm:

– Cảnh cáo.

– Phạt tiền. Đối với cá nhân, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng đến 40.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tổ chức đến 80.000.000 đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính).

4. Thẩm quyền xử phạt của TAND

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, kể từ khi được phân công có quyền:

– Phạt cảnh cáo.

– Phạt tiền đến 1.000.000 đồng.

– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 2.000.000 đồng.

Chánh án TAND cấp huyện, Chánh tòa chuyên trách TAND cấp tỉnh, Chánh án Tòa án Quân sự khu vực có quyền:

– Phạt cảnh cáo.

– Phạt tiền đến 7.500.000 đồng.

– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 15.000.000 đồng.

Chánh án TAND cấp tỉnh, Chánh tòa chuyên trách TAND cấp cao có quyền:

– Phạt cảnh cáo.

– Phạt tiền đến 40.000.000 đồng.

– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

– Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả gồm: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng;  Buộc xin lỗi công khai; Buộc thu hồi thông tin sai sự thật; Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật; Buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh.

Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương có quyền:

– Phạt cảnh cáo.

– Phạt tiền đến 40.000.000 đồng.

– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

– Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả gồm: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng; Buộc xin lỗi công khai; Buộc thu hồi thông tin, tài liệu, dữ liệu, vật có chứa bí mật điều tra; Buộc gỡ bỏ thông tin, tài liệu, dữ liệu có chứa bí mật điều tra; Buộc thu hồi thông tin sai sự thật; Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật; Buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh.

II. Những hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính

1. Hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự

Hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định từ Điều 9 đến Điều 15 của Pháp lệnh, cụ thể như sau:

1.1. Hành vi tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật

Hành vi này có mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, bao gồm các hành vi của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cụ thể như sau:

– Hành vi cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật  nhưng chưa đến mức làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, người có thẩm quyền).

– Hành vi cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, người có thẩm quyền.

– Lôi kéo, xúi giục, lừa dối, mua chuộc, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực buộc người khác tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật.

1.2. Hành vi tiết lộ bí mật điều tra

Hành vi này có mức phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, bao gồm các hành vi của Người tham gia tố tụng và Luật sư cụ thể như:

– Người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra mặc dù đã được Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên hoặc Kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật.

– Người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra làm trì hoãn, kéo dài thời gian điều tra mặc dù đã được Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên hoặc Kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

– Luật sư tiết lộ bí mật điều tra mặc dù đã được Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên hoặc Kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật.

1.3. Hành vi vi phạm quy định về sự có mặt theo giấy triệu tập

Hành vi này có mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng, bao gồm hành vi của người tham gia tố tụng cụ thể như: Người tham gia tố tụng đã được triệu tập mà vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho hoạt động tố tụng.

1.4. Hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng

Hành vi này có mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, bao gồm hành vi của người tham gia tố tụng cụ thể như sau: Người tham gia tố tụng lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực nhằm cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng.

1.5. Hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ

Hành vi này có mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 15.000.000 đồng, bao gồm hành vi của người tham gia tố tụng, người giám định, người định giá tài sản cụ thể như sau:

– Người tham gia tố tụng khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật, trừ người bị buộc tội;

– Người tham gia tố tụng từ chối khai báo hoặc từ chối thực hiện nghĩa vụ cung cấp tài liệu, đồ vật, trừ người bị buộc tội.

– Người tham gia tố tụng làm giả hoặc hủy hoại chứng cứ gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án, vụ việc.

– Người tham gia tố tụng lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người bị hại tham gia tố tụng hoặc buộc người bị hại khai báo gian dối.

– Người tham gia tố tụng lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối.

– Người giám định, người định giá tài sản từ chối kết luận giám định, định giá tài sản mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

– Người tham gia tố tụng lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người phiên dịch, người dịch thuật thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người phiên dịch, người dịch thuật dịch gian dối;

– Người tham gia tố tụng lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người giám định, người định giá tài sản thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người giám định, người định giá tài sản kết luận sai với sự thật khách quan;

– Người giám định, người định giá tài sản kết luận gian dối.

2. Hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND, đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

2.1. Hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án

Hành vi này có mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng, bao gồm hành vi của người làm chứng, người phiên dịch, người giám định cụ thể như sau: Người làm chứng, người phiên dịch, người giám định đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không đến Tòa án hoặc không có mặt tại phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và nếu sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho hoạt động tố tụng của Tòa án.

2.2. Hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của Tòa án

Hành vi này có mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng, bao gồm hành vi của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cụ thể là: Hành vi đe dọa, hành hung hoặc lợi dụng sự lệ thuộc nhằm cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của Tòa án.

2.3. Hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của cơ quan, người có thẩm quyền

Hành vi này có mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 15.000.000 đồng, bao gồm hành vi của cá nhân, tổ chức không phải là người tham gia tố tụng, người làm chứng, người phiên dịch, người giám định cụ thể như sau:

– Không thực hiện yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ mà người đó đang quản lý, lưu giữ.

– Người làm chứng khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật khi làm chứng.

– Người làm chứng từ chối khai báo, trừ trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 78 của Bộ luật Tố tụng dân sự và điểm e, khoản 2, Điều 62 của Luật Tố tụng hành chính.

– Làm giả hoặc hủy hoại chứng cứ quan trọng gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án, vụ việc của Tòa án.

– Không cử người tham gia Hội đồng định giá theo yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng.

– Người giám định từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng.

– Lừa dối, đe dọa, mua chuộc, cưỡng ép hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối, trừ trường hợp quy định tại khoản 5, Điều này.

– Đe dọa, sử dụng vũ lực, gây mất trật tự hoặc có hành vi khác cản trở người có thẩm quyền tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, quyết định định giá, quyết định trưng cầu giám định hoặc thực hiện các biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ khác theo quy định của pháp luật.

– Người giám định từ chối kết luận giám định mà không có lý do chính đáng.

– Không tham gia thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng định giá mà không có lý do chính đáng.

– Lừa dối, đe dọa, mua chuộc, cưỡng ép hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người phiên dịch thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người phiên dịch dịch không trung thực, không khách quan, không đúng nghĩa.

– Lừa dối, đe dọa, mua chuộc, cưỡng ép hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người giám định thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người giám định kết luận sai với sự thật khách quan.

– Người giám định kết luận giám định sai sự thật.

– Người phiên dịch cố ý dịch sai sự thật.

2.4. Hành vi cản trở việc cấp, giao, nhận, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án

Hành vi này có mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 7.000.000 đồng, bao gồm hành vi của cá nhân, tổ chức cụ thể như sau:

– Không thực hiện việc cấp, giao, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của Tòa án theo yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng.

– Ngăn cản việc cấp, giao, nhận, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của Tòa án.

– Hủy hoại văn bản tố tụng của Tòa án mà mình được giao để cấp, tống đạt hoặc thông báo theo yêu cầu của Tòa án.

– Giả mạo kết quả thực hiện việc tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của Tòa án mà mình được giao thực hiện.

Đối với thừa phát lại tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Tòa án không đúng quy định thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

2.5. Hành vi can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc

Hành vi này có mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, bao gồm hành vi của cá nhân, tổ chức cụ thể như sau:

– Người nào bằng ảnh hưởng của mình có hành vi tác động dưới bất kỳ hình thức nào với Thẩm phán, thành viên Hội đồng xét xử nhằm làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không khách quan, không đúng pháp luật.

– Người nào lợi dụng quan hệ lệ thuộc đe thực hiện hành vi tác động dưới bất kỳ hình thức nào với Thẩm phán, thành viên Hội đồng xét xử nhằm làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không khách quan, không đúng pháp luật.

– Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi tác động dưới bất kỳ hình thức nào với Thẩm phán, thành viên Hội đồng xét xử nhằm làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không khách quan, không đúng pháp luật.

2.6. Hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự Tôn nghiêm, uy tín của Tòa án; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án

Hành vi này có mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, bao gồm hành vi của cá nhân, tổ chức; Luật sư cụ thể như sau:

– Xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của Tòa án.

– Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án.

– Đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc có hành vi khác xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án.

– Luật sư thực hiện hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của Tòa án; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án; đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc có hành vi khác xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án.

2.7. Hành vi đưa tin sai sự thật

Hành vi này có mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, bao gồm hành vi của cá nhân, tổ chức cụ thể như sau:

– Đưa tin sai sự thật nhằm cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án.

– Đưa tin sai sự thật làm trì hoãn, kéo dài thời gian tiến hành hoạt động tố tụng của Tòa án.

– Luật sư thực hiện hành vi đưa tin sai sự thật nhằm cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án; Đưa tin sai sự thật làm trì hoãn, kéo dài thời gian tiến hành hoạt động tố tụng của Tòa án.

Đối với nhà báo đăng, phát nội dung thông tin sai sự thật trên báo chí nhằm cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí.

3. Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp; hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng

3.1. Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp

Hành vi này có mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 15.000.000 đồng, bao gồm hành vi của cá nhân, tổ chức cụ thể như sau:

– Sử dụng điện thoại, tạo các tạp âm hoặc thực hiện các hành vi khác gây mất trật tự tại phiên tòa.

– Để thiết bị điện tử ở trạng thái tắt camera hoặc tắt âm thanh micro mặc dù được chủ tọa phiên tòa nhắc nhở.

– Không đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án, khi Hội đồng xét xử tuyên án mà không được chủ tọa phiên tòa cho phép.

– Bị cáo không đứng dậy khi Kiểm sát viên công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố mà không được chủ tọa phiên tòa cho phép.

– Hút thuốc, ăn uống trong phòng xử án.

– Mặc trang phục không nghiêm túc, đội mũ, nón, đeo kính màu trong phòng xử án không có lý do chính đáng và không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa.

– Bị cáo đang bị tạm giam tiếp xúc với người khác không phải là người bào chữa cho mình mà không được chủ tọa phiên tòa cho phép.

– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã được nhắc nhở nhưng vẫn vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa.

– Không chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa.

– Hỏi, trình bày ý kiến khi chưa được chủ tọa phiên tòa đồng ý.

– Gây rối tại phòng xử án.

– Không chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa mặc dù đã được nhắc nhở.

– Có thái độ không tôn trọng Hội đồng xét xử.

– Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án không xuất trình giấy triệu tập, giấy mời, các giấy tờ có liên quan khác mặc dù đã được nhắc nhở.

– Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án không ngồi đúng vị trí trong phòng xử án theo hướng dẫn của Thư ký phiên tòa.

– Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án rời khỏi phòng xử án khi phiên tòa đang diễn ra không có lý do chính đáng và không được chủ tọa phiên tòa đồng ý.

– Nhà báo không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo khi tham dự phiên tòa để hoạt động nghiệp vụ báo chí.

– Lôi kéo, xúi giục, kích động người khác gây mất trật tự, gây rối tại phòng xử án.

– Mang đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu hoặc tài liệu, đồ vật khác vào phòng xử án ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa, trừ vật chứng của vụ án phục vụ cho công tác xét xử hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được người có thẩm quyền mang theo để làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.

– Cố ý ngắt hệ thống chiếu sáng, âm thanh, ghi âm, ghi hình ảnh hưởng đến phiên tòa.

– Đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào phòng xử án.

– Mang vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy hoặc chất độc vào phòng xử án, trừ vật chứng của vụ án phục vụ cho công tác xét xử hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được người có thẩm quyền mang theo để làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.

– Ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự.

3.2. Hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng

Hành vi này có mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng, bao gồm hành vi của cá nhân, tổ chức cụ thể như sau:

– Phát tán tài liệu hoặc phát tán thông tin tài khoản đăng nhập vào hệ thống xét xử trực tuyến.

– Hủy hoại hệ thống đường truyền và thiết bị mạng, hệ thống âm thanh (loa, micro, tăng âm, bộ trộn âm thanh), thiết bị hiển thị hình ảnh tại điểm cầu trung tâm và các điểm cầu thành phần phiên tòa, phiên họp trực tuyến, thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình, phần mềm truyền hình trực tuyến, thiết bị camera ghi hình diễn biến phiên tòa, phiên họp, thiết bị lưu trữ dữ liệu, máy chiếu vật thể dùng để trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa, phiên họp.

Pháp lệnh về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được ban hành nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp đã được xác định trong các Nghị quyết, văn kiện của Đảng, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng tại Toà án.

Pháp lệnh được đánh giá là rất cần thiết, đảm bảo cho hoạt động tiến hành tố tụng của cơ quan người có thẩm quyền tiến hành tố tụng diễn ra thông suốt, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Pháp lệnh còn bảo đảm sự tôn nghiêm của Toà án, sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với Toà án. Vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu các quy định trong Pháp lệnh về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là rất cần thiết.