Tiêu điểm: “Những thách thức trong phát triển nghề Luật sư trên thế giới” tại IBA năm 2022 tại Miami (Hoa Kỳ)

(LSVN) – Như lời phát biểu của ông Chủ tịch IBA Sternford Moyo, thế giới đang đứng trước những thay đổi to lớn, tác động đến sự phát triển của nghề Luật sư. Với hơn hai trăm chuyên đề được Ban tổ chức dự kiến diễn ra trong thời gian hội nghị, chúng tôi đã chọn các chuyên đề gắn với việc làm thế nào quan tâm và bảo vệ quyền lợi về sức khỏe, tinh thần của Luật sư, vấn đề xây dựng mô hình quản trị Công ty Luật hoạt động hiệu quả và ảnh hưởng của đại dịch Covid dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc hoạt động của Công ty Luật hiện nay. Cả ba phiên thảo luận đều diễn ra liên tục bắt đầu từ 11h15 sáng thứ hai (31/10/2022) cho đến 17h30 cùng ngày.

6360fb04840b6

Luật sư Steven Richman điều phối chuyên đề về quan tâm bảo vệ phúc lợi của Luật sư trong Công ty Luật.

Ai bảo Luật sư không có “nỗi khổ” của mình?

Ban đầu thì tên chuyên đề được ghi trong chương trình là: “Sự phát triển của nghề Luật sư: Chặng đường phía trước” diễn ra từ 11h15 đến 12h30 khiến chúng tôi hình dung các diễn giả sẽ trình bày những vấn đề tổng quát, mang tính toàn cầu tác động đến sự phát triển của nghề Luật sư trên thế giới. Tuy nhiên, với sự điều hành và giới thiệu của Luật sư Steven Richman (Phó Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ ABA kiêm Chủ nhiệm Ủy ban chứng chỉ IBA), nội dung chuyên đề thảo luận hóa ra gắn rất chặt với những vấn đề tưởng chừng nhỏ nhặt, nhưng có thể tác động đến sự thành bại của nghề Luật sư nói chung và vận hành của Công ty Luật nói riêng. Ông thông tin qua khảo sát tại ABA, có khoảng 20% số Luật sư bị trầm cảm nhẹ, 5% có vấn đề về tinh thần và 1/3 Luật sư do công việc khắc nghiệt của nghề nghiệp đã ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần của mình. Có tới 65% số Luật sư được khảo sát cho biết môi trường làm việc tại Công ty Luật tác động nhiều đến tình trạng sức khỏe, tinh thần. Thật ra, đây không phải là mặt trái của nghề Luật sư, nhưng là vấn đề đang được các nhà nghiên cứu rất quan tâm, cần nói ra để trả lời câu hỏi giới luật cũng có “nỗi khổ” của riêng mình!

6360fb04a0ad8

Luật sư Phan Minh Hoàng đặt câu hỏi với các diễn giả.

Các diễn giả bao gồm Luật sư Adriana Castro đến từ Costa Rica đảm nhiệm hoạt động tại Ủy ban Luật sư trẻ của IBA, Luật sư Jeffrey Davis đến từ Canada, Luật sư Deborah Enix-Ross, Luật sư Antoinette Moriaty đến từ Ireland, bà Thẩm phán, Tiến sĩ Ngozika Okaisabor (Nigeria) và Luật sư Desi Vlahos đến từ Australia đã mở lòng nói về các vấn đề khá nhạy cảm của việc hành nghề Luật sư trên thế giới. Vấn đề đặt ra là những người lãnh đạo, điều hành các hãng luật là người có kiến thức chuyên môn, kỹ năng thâm hậu, trải nghiệm lâu dài, nhưng đôi khi không đủ sự quan sát, để tâm đến nhân thân, sức khỏe, tinh thần và phúc lợi của các Luật sư thành viên, nhất là các Luật sư trẻ và Luật sư nữ. Bà Thẩm phán đến từ Nigeria kể tâm trạng của chính bà đôi khi chỉ quan tâm đến việc Luật sư đến Tòa có đúng giờ không, có tuân thủ quy tắc ứng xử và hành nghề tại phiên tòa, mà không biết bên trong bộ trang phục chỉnh chu và luôn giữ thể diện của Luật sư, chính các Luật sư cũng phải chịu nhiều áp lực, lo lắng nhiều chuyện. Đó còn là vấn đề phân biệt chủng tộc, giới tính, thời gian làm việc quá nhiều tại Văn phòng của Công ty Luật, tình trạng nghiện rượu, sự lo lắng dẫn đến trầm cảm. Điều này làm chúng tôi nhớ đến trong chuyến khảo sát tại Nhật Bản, một nữ Luật sư nói mình phải làm việc đến 2-3 giờ sáng, đến mức không thể tìm bạn trai cho mình…

Luật sư Richman chen vào nói về có lần ông bị đánh thức bởi chuông điện thoại lúc 2 giờ sáng, nên có trách móc than phiền với khách hàng, bà vợ không hài lòng vì ông la lối trong điện thoại, rồi thức cả đêm. Sáng hôm sau đến Tòa, mắt ông không mở được vì buồn ngủ. Vậy là các Luật sư già cũng có vấn đề của riêng mình. Qua thuyết trình của các diễn giả, điều đọng lại là ai cũng cảm nhận và khâm phục về khả năng chuyên môn và cách Luật sư vượt qua những áp lực và trở ngại, nhưng chính sự cạnh tranh khắc nghiệt trong hành nghề đã khiến nhiều người điều hành hãng luật không chú tâm đến các vấn đề tình trạng sức khỏe, tinh thần của Luật sư trong Công ty của mình. Tất nhiên, các Luật sư đến từ các nước có nghề luật phát triển có những “nguyên tắc” đặc biệt là tắt điện thoại, không nhận email vào ngày cuối tuần, hay không nghĩ gì đến khách hàng khi hưởng tuần trăng mật. Nhưng chính điều này lại tiềm ẩn nguy cơ bị khách hàng phàn nàn, kiện tụng vì không trả lời email của họ.

Vấn đề đặt ra là người đứng đầu Công ty Luật cần phải coi vấn đề tình trạng sức khỏe, tinh thần và phúc lợi của Luật sư ngang bằng với vấn đề phân biệt chủng tộc và giới tính, phải có giải pháp để chính các Luật sư “có vấn đề” về tình trạng sức khỏe, tinh thần cởi mở nói ra câu chuyện của mình. Cái khó là đôi khi không có điểm chung của câu chuyện này, nhưng giải pháp là cần tạo môi trường làm việc, văn hóa Công ty Luật, giúp đỡ các Luật sư gặp khó khăn hoặc bị tâm lý là trách nhiệm đạo đức. Luật sư Phan Minh Hoàng chia sẻ với các diễn giả hiện nay ở Việt Nam đã có trên 17.000 Luật sư, số Luật sư trẻ chiếm gần 30%, nhưng thực tế có nhiều Luật sư còn gặp khó khăn trong hành nghề và trong cuộc sống, đồng thời đặt câu hỏi về giải pháp nào để tổ chức Luật sư quốc gia, tổ chức hành nghề thật sự quan tâm hơn đến đội ngũ Luật sư trẻ? Nhiều diễn giả đã nhân câu hỏi của Luật sư Hoàng đã nhấn mạnh bên cạnh chính sách đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp, hình thành các Câu lạc bộ hoặc Ủy ban về Luật sư trẻ, chính các Luật sư trẻ cũng phải dũng cảm cất lên tiếng nói của mình, đồng thời phải giữ sự kết nối, tương trợ lẫn nhau giữa các đồng nghiệp để tìm ra giải pháp.

6360fb04a04d6

Các thành viên Đoàn công tác nghỉ ăn trưa cùng các đồng nghiệp trên thế giới tại Sảnh lớn Hội nghị.

Làm thế nào vận hành Công ty Luật hiệu quả?

Kết thúc phiên thảo luận chuyên đề đầu tiên, các thành viên Đoàn công tác nghỉ ăn trưa tại chỗ với các món ăn tự chọn trong một khán phòng có thể chứa cả ngàn Luật sư, để chuẩn bị đầu giờ chiều tham gia chuyên đề chia sẻ kỹ năng quản trị và đào tạo để các Công ty Luật có thể vận hành hiệu quả, dưới sự điều hành của Luật sư Deborah Farone và Luật sư Anne Macdonald đến từ Ủy ban quản trị Công ty Luật của IBA. Các diễn giả bao gồm các Luật sư nữ: Roberta Downey đến từ Luân Đôn, Adam Emmerich và Gary Wingens đến từ New York, Marla Grant đến từ Miami (Florida), Hanim Hamzah đến từ Singapore, Rachel Hussey đến từ Ireland, Katerine Hutchinson đến từ Canada và Petra Zijp đến từ Nethelands.

Hóa ra, năng lực phát triển kinh doanh không phải là một kỹ năng mà Luật sư sinh ra đã sở hữu. Làm thế nào để những người thành công trở thành chính họ?  Phát triển kinh doanh có phải là một kỹ năng có thể được dạy không?  Các diễn giả đến từ một số Công ty Luật hàng đầu thế giới đã giới thiệu và thảo luận về cách các công ty của họ phát triển các chương trình đào tạo hiện đại bằng cách sử dụng sự kết hợp của các nguồn lực nội bộ, chuyên gia tư vấn bên ngoài và cố vấn, giới thiệu mô hình quản trị Công ty Luật như một doanh nghiệp mà một số hãng luật hàng đầu thế giới đã vận hành thành công, chia sẻ một số bí quyết về cách họ có thể xây dựng và duy trì các phương pháp hoạt động hiệu quả.

6360fb09b793e

Luật sư Deborah Farone, Ủy ban quản trị Công ty Luật (IBA) điều phối thảo luận chuyên đề về kỹ năng quản trị để các Công ty Luật vận hành hiệu quả.

Sức hút của chuyên đề này khiến phòng họp 208 tầng 2 Hội nghị quá tải, chỉ với diện tích chưa đầy 100m2, có tới hơn 300 Luật sư các nước đến tham dự, nhiều Luật sư phải đứng quanh phòng để lắng nghe các diễn giả trình bày. Nữ Luật sư điều phối thảo luận chia sẻ, bà tò mò vì sao khách hàng lại chọn Công ty Luật này, thay vì Công ty khác? Để giải đáp câu hỏi này, nữ Luật sư Marla Grant đến từ Miami nghĩ rằng mình sẽ hành nghề tranh tụng cho đến suốt đời, nhưng rốt cuộc bà có một đam mê “kết nối con người”. Tính cố kết cùng chuyên môn đặc biệt, được định hướng từ người điều hành, với các tiêu chí rất cao và rõ ràng, cùng mục đích và kết nối nội bộ chặt chẽ là những đặc trưng của các hãng luật thành công. Vấn đề quản trị Công ty Luật chính là vấn đề không chỉ phát triển sự nghiệp bản thân mà còn cả thương hiệu, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.

6360fb09b9881

Các diễn giả tại chuyên đề quản trị Công ty Luật thời “hậu Covid”.

Các diễn giả đều nói về Luật sư là ngành nghề đặc biệt, đòi hỏi phải chăm chút kỹ lưỡng để có thể cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Một “team” không thể tồn tại nếu cực nam châm chỉ hai chiều khác nhau, đây chính là sự cạnh tranh nội tại trong hành nghề, khi một Công ty Luật có sự bứt phá vươn xa, các Công ty khác vận hành mang tính cạnh tranh, tạo ra khả năng để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ pháp lý. Các Công ty có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, rút ra bài học từ đó năng cao kỹ năng quản trị. Để thực hiện được điều này, người đứng đầu cần có kiến thức và kỹ năng quản trị mang tính chiến lược, xây dựng phong cách lãnh đạo, văn hóa ứng xử, đào tạo chuyên môn, tạo mối liên kết bên trong cởi mở, trên tinh thần đồng nghiệp, với khát vọng mong muốn thay đổi của chính mỗi Luật sư. Mô hình quản trị tốt mà các diễn giả giới thiệu dựa trên nền tảng “hãy đặt mình vào vị trí của khách hàng”, bồi dưỡng kiến thức và chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, mỗi Luật sư dành nhiều thời gian “lắng nghe nhau” nhiều hơn, lắng nghe và học hỏi từ chính khách hàng để có chung mục đích trong cung cấp dịch vụ pháp lý. Điều quan trọng là kinh nghiệm của người đi trước cần được truyền lại cho thế hệ sau…

Một câu nói hay của diễn giả đến từ Canada là “không nhất thiết phải là Luật sư giỏi nhất, nhưng mấu chốt là sự kết hợp và khả năng tạo lập các mối quan hệ bên trong Công ty Luật, cởi mở thân thiện trao đổi các vấn đề phù hợp với tầng nấc trách nhiệm của mỗi Luật sư”. Chính những điều này quyết định đến việc khách hàng có lựa chọn Công ty Luật hay không. Tuy nhiên, khi nghe các diễn giả từ các hãng luật hàng đầu thế giới chia sẻ, chúng tôi bất giác nhìn lại bên cạnh các hãng luật nổi tiếng ở Việt Nam, phần còn lại quy mô của các tổ chức hành nghề còn nhỏ, có VPLS chỉ có vài nhân sự, liệu các kinh nghiệm quản trị vận hành nói trên có phù hợp không ? Làm thế nào để đa phần các tổ chức hành nghề quy mô nhỏ có thể vận hành tốt, phù hợp với điều kiện, đặc điểm ở Việt Nam. Đây cũng chính là các câu hỏi mà mỗi thành viên Đoàn công tác trăn trở…

Quản trị Công ty Luật “Thời Covid-19”

Ngay tiếp liên kề thời gian, vào 16h14 cũng tại phòng họp chật kín người này, chuyên đề “Quản trị Công ty Luật trong giai đoạn hậu Covid-19. Trạng thái bình thường mới hay quay ngược thời điểm tháng 3/2020” do Luật sư Hamnim Hamzah- Phó Chủ nhiệm Ủy ban quản trị Công ty Luật IBA và Luật sư Francisco Roggero- Phó Chủ nhiệm nhóm phụ trách khu vực Mỹ Latin điều phối, với sự tham dự của các diễn giả là Luật sư: Georgia Dawson đến từ Luân Đôn, Benjamin Grebe đến từ Chile, Enrique Martin đến từ Miami, Florida, Gwendolyn Renigar đến từ Washington. Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức hành nghề vượt qua đại dịch Covid như thế nào…

6360fb0a4de60

Sức hút của chuyên đề quản trị Công ty Luật khiến phòng họp 208 quá tải

Thế giới đã chứng kiến cơn đại dịch Covid đã càn quét khắp năm châu, để lại những di chứng nặng nề như một thảm họa. Điều này đã tác động, ảnh hưởng rất lớn đến quản trị các Công ty Luật, làm thay đổi nhiều thứ, từ giảm quy mô tổ chức, cách thức làm việc thay đổi (trực tiếp tại trụ sở Công ty và online ở nhà), trạng thái tâm lý, sức khỏe và hiệu quả cung cấp dịch vụ pháp lý bị tác động rất lớn. Luật sư Benjamin Grabe đến từ hãng Luật Prieto đã trình bày sơ đồ, cách tổ chức lại Văn phòng của Công ty Luật tương thích với “thời Covid”, từ cách bố trí nơi làm việc theo nhóm của các Luật sư, thiết kế ba loại phòng họp (bàn tròn, bàn vuông), phòng sinh hoạt chung, thư viện, khu vực uống café… Ông nói chính đại dịch Covid đã làm thay đổi và tạo cơ hội để cấu trúc lại “ngôi nhà” của mỗi Công ty Luật, để tạo môi trường cho các Luật sư kết nối các mối quan hệ, học hỏi và hỗ trợ lần nhau cùng vượt qua khó khăn, phù hợp với dự kiến thay đổi của người điều hành.

6360fb0aafbff

Khán phòng cuối giờ chiều ngày 31/10/2022 vẫn đông đúc người tham dự…

Một diễn giả khác nói khi dịch Covid mới xảy ra đã ngay lập tức tác động đến sự vận hành của Công ty Luật, ảnh hưởng khả năng làm việc, số lượng Luật sư làm việc tại nhà chiếm 50%. Câu hỏi đặt ra là với thực trạng này, có phải giảm diện tích sử dụng văn phòng và số người giảm tương ứng ? Đó là chưa kể, Văn phòng chính là “môi trường” lây nhiễm Covid khá nhanh, các vấn đề yếu kém trong quản trị chưa phát sinh, nay bộc lộ rõ. Cách thức xử lý và tìm ra giải pháp đến từ các diễn giả rất đa dạng, từ thay đổi số ngày làm việc tại văn phòng và làm việc tại nhà, giải quyết các vấn đề tâm lý và sức khỏe (số Luật sư trẻ thích ứng nhanh, muốn đi làm, còn Luật sư lớn tuổi muốn làm việc tại nhà. Vấn đề là dù theo cách thức nào thì vẫn phải tạo ra sự thoải mái, thuận lợi nhất có thể cho sự tương tác lẫn nhau, làm việc trực tiếp với nhau mà online không thể có được. Ông Enrique Martin đến từ hãng luật Winston & Strawn nổi tiếng cho biết hành nghề luật không thể có văn phòng, nhưng với đại dịch, nguy cơ 40% nhân sự sẽ rời Công ty nếu không chuyển đổi sang mô hình mới. Mô hình Công ty Luật trong đại dịch làm mất đi một số tương tác, nên cùng với thay đổi cấu trúc, cần xây dựng công nghệ quản trị mới tốt nhất, hiểu về con người và đặc trưng của nghề luật để có mô hình hiệu quả nhất sau đại dịch.

Đại dịch Covid đã biến rủi ro thành cơ hội, khiến các thành viên trong Công ty Luật gắn bó, quan tâm đến nhau nhiều hơn, cân bằng lợi ích Công ty và phúc lợi của Luật sư, thấy được ý nghĩa của sự tồn tại để tạo động lực trong việc hồi phục, vận hành hiệu quả Công ty Luật, cung cấp các dịch vụ pháp lý tốt nhất cho khách hàng…

6360fb0a8d9f7

Bến du thuyền trước cửa biển Miami…

VĂN THÀNH – MINH HOÀNG

Ảnh: HOÀI PHAN