Tổng thuật Tọa đàm ‘Quy định về xin cấp giấy phép môi trường: Những vấn đề pháp lý và thực tiễn’

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh tế thì việc đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ các quy định pháp luật bảo vệ môi trường là rất cần thiết. Trên thực tế, sau thời gian Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực, việc cấp giấy phép môi trường cho các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều bất cập, thậm chí các văn bản quy định có hiện tượng chồng chéo, gây trở ngại cho các doanh nghiệp. Nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia pháp lý, Luật sư, doanh nghiệp cùng đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp giấy phép môi trường, ngày hôm nay, Tạp chí Luật sư Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Quy định về xin cấp giấy phép môi trường – Những vấn đề pháp lý và thực tiễn”, với sự tham gia của các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, Luật sư và doanh nghiệp.

642255049374b

Toàn cảnh Tọa đàm.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022), thay thế Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Riêng đối với thủ tục hành chính, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã tập trung cải cách mạnh mẽ, cắt giảm 40% số thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp và giảm được 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.

Thực tiễn thực hiện những quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về cấp giấy phép môi trường đã thực sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh tế hay vẫn còn những rào cản nào khác? Để làm rõ vấn đề này, ngày hôm nay (28/3/2023), Tạp chí Luật sư Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Quy định về xin cấp giấy phép môi trường: Những vấn đề pháp lý và thực tiễn”, với sự tham gia của các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, luật sư và doanh nghiệp.

Tọa đàm diễn ra với 2 nhóm chủ đề: “Cơ sở pháp lý của những quy định pháp luật về xin cấp giấy phép môi trường” và “Giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp…”.

Khách mời tham dự tọa đàm gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng; Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng; đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Luật sư, chuyên gia pháp lý, đại diện doanh nghiệp,… và các cơ quan báo chí, truyền hình tham dự đưa tin.

ThS Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam; TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đồng chủ trì buổi Tọa đàm.

64224ba95e2bb

ThS Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam; TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đồng chủ trì buổi Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ThS Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam nhấn mạnh: Bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên là một trong ba trụ cột phát triển kinh tế của đất nước, đây là quan điểm chỉ đạo nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Trên cơ sở định hướng đó, trước những vấn đề về môi trường phát sinh trong thực tiễn, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng, thiết lập hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mặc dù có nhiều điểm mới, nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường, nhưng vẫn còn bộc lộ một số vướng mắc trong việc áp dụng các quy định về hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép về môi trường.

64224ba95ba50

ThS Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Tạp chí Luật sư Việt Nam tổ chức Tọa đàm này với mong muốn đóng góp một kênh thông tin hữu ích để các cơ quan hữu quan tham khảo, đưa ra quyết định phù hợp nhất, bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường.

Còn nhiều tồn tại cả trong quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật

TS. LS Ngô Ngọc Diễm (Công ty Luật TNHH Thinksmart) cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đang tồn tại nhiều vướng mắc cả trong quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật. Chẳng hạn, trong quy định về việc cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy phép môi trường, theo Điều 44 và khoản 5 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, giấy phép môi trường được cấp đổi trong trường hợp có thay đổi thông tin như: tên dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoặc chủ dự án đầu tư, cơ sở thì chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm tiếp tục thực hiện giấy phép môi trường và thông báo cho cơ quan cấp giấy phép môi trường biết để được cấp đổi giấy phép nhưng không thay đổi nội dung khác quy định trong giấy phép. Nghĩa là, cơ sở, đơn vị đầu tư chỉ được cấp đổi trong trường hợp đổi thay đổi tên dự án. Còn những trường hợp khác, pháp luật chưa có quy định nhất là việc chuyển tiếp thi hành cụ thể. Trong khi Luật Bảo vệ môi trường hiện hành mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 nhưng một số các đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp vẫn áp dụng Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 khi đăng ký các loại giấy phép liên quan đến môi trường do chưa hết thời hạn của các loại giấy phép môi trường này. Trong trường hợp các đơn vị, cơ sở này muốn cấp đổi lại giấy phép môi trường thì họ cần chờ đến khi giấy phép môi trường cũ hết hiệu lực. Sau đó, họ mới có thể đăng ký giấy phép môi trường theo luật mới. Còn đối với việc cấp lại, khoản 3 Điều 44 Luật Bảo vệ môi trường cũng không quy định về việc cấp lại. LS Diễm cho rằng đây là một điểm thiếu sót của pháp luật vì quy định này gây khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp về chi phí, thời gian, quyền và nghĩa vụ liên quan của họ…

6422507822f0c

TS. LS Ngô Ngọc Diễm, Công ty Luật TNHH Thinksmart.

Bên cạnh đó, việc phân loại nhóm dự án đầu tư phải có giấy phép môi trường cũng có vấn đề cần bàn. Nghị định 08/2022/NĐ-CP do Chính phủ ban hành đã phân loại khá rõ ràng các nhóm dự án đầu tư là đối tượng phải có giấy phép môi trường, đồng thời, quy định chi tiết về các loại hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc đưa nhóm ngành sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử vào danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là chưa hợp lý. Bởi lẽ, dự án thuộc nhóm ngành này ít phát sinh chất thải rắn, khí, nước thải. Khi đưa nhóm ngành này vào loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì đồng nghĩa với việc những dự án đầu tư về nhóm ngành này là đối tượng bắt buộc phải có giấy phép môi trường và phải trải qua thêm một thủ tục hành chính tương đối phức tạp dẫn đến có thể làm mất cơ hội đầu tư phát triển tại một thời điểm nhất định. Việc bảo vệ môi trường là cần thiết nhưng cần cân đối và đánh giá chính xác đối tượng nên được quản lý tránh trường hợp thiết lập các cơ chế quản lý, ngăn chặn chưa đúng đối tượng mà bỏ quên đối tượng khác có nguy cơ gây hại lớn hơn. Do đó, cần đánh giá tính hợp lý, hiệu quả và những thứ được và mất khi ban hành một quy định pháp luật điều chỉnh nhất là đối với các quy định có bản chất là hành lang ngăn chặn mang tính chất tác động hai chiều như trong trường hợp này.

Trong quá trình thi hành Luật Bảo vệ môi trường, việc cấp giấy phép môi trường từ phía cơ quan nhà nước cũng như quá trình thực hiện giấy phép môi trường từ phía doanh nghiệp còn mang tính thủ tục, hình thức. Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Thông tư 10/2021/TT-BTNMT đã có thêm một số quy định mới liên quan đến chương trình, dữ liệu quan trắc môi trường mà doanh nghiệp cần lưu ý. Quy định của pháp luật đến nay đã khá hoàn thiện và đầy đủ nhưng khi thi hành, áp dụng pháp luật thì lại gặp một số khó khăn, vướng mắc. Về phía các cơ quan có thẩm quyền, việc đánh giá tác động môi trường, đánh giá về các số liệu quan trắc môi trường vẫn còn tồn tại những tiêu cực như: chưa dựa trên những căn cứ khoa học, khách quan dẫn tới việc cấp giấy phép chưa đúng với quy mô, tính chất hoạt động của chủ thể kinh doanh; đánh giá nhầm, đánh giá sai khiến phải hủy bỏ kết quả báo cáo quan trắc gây nhiều thủ tục rườm rà, lãng phí chí phí,… Về phía các doanh nghiệp, tuy chủ thể này nhận thức vấn đề bảo vệ môi trường là vấn đề cấp thiết nhưng việc khi xin cấp giấy phép môi trường đối với họ nhiều khi chỉ nhằm mục đích hoàn thiện các thủ tục cần thiết để được triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh chứ không thực sự nhằm bảo vệ môi trường, thường có sự thiếu chính xác về các số liệu quan trắc môi trường, đánh giá tác động môi trường trong quá trình xin cấp giấy phép môi trường.

6422507813c9a

Các đại biểu tham dự Tọa đàm.

Từ việc phân tích thực tiễn quy định và quá trình thực hiện Luật Bảo vệ môi trường nói trên, LS Ngô Ngọc Diễm đã đưa ra một số đề xuất kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về việc cấp, xin cấp giấy phép môi trường như sau:

Thứ nhất, đối với việc cấp lại, cấp đổi, cấp mới giấy phép môi trường, pháp luật về bảo vệ môi trường nên hoàn thiện các quy định còn thiếu sót, chưa dự liệu hết tất cả các trường hợp có thể xảy ra, nhằm tránh việc áp dụng quy định pháp luật tùy nghi, đồng thời nhằm bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở; tránh những khó khăn về thủ tục hành chính không đáng có. Cần bổ sung trường hợp đặc biệt về giấy phép môi trường vẫn còn thời hạn nhưng áp dụng theo Luật Bảo vệ môi trường 2014. Trong trường hợp này, để hạn chế những vướng mắc, phức tạp sau này, Luật nên quy định thêm về việc cấp lại giấy phép môi trường về trường hợp giấy phép môi trường vẫn còn thời hạn nhưng áp dụng luật cũ. Đồng thời, đặt ra thời hạn cấp lại theo hướng: “Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày có yêu cầu các dự án đầu tư phải thực hiện việc cấp lại giấy phép môi trường, các dự án đơn vị đầu tư phải thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép môi trường ở những cơ quan nhà nước có thẩm quyền…”. Trách nhiệm yêu cầu các đơn vị, dự án đầu tư thuộc về các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và phải đáp ứng được yêu cầu nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời, quy định về trách nhiệm của các đơn vị, dự án đầu tư, nếu họ không thực hiện đúng thì có thể bị “xử phạt vi phạm hành chính hoặc buộc ngừng thực hiện hoạt động liên quan đến môi trường”.

Thứ hai, đối với việc cấp giấy phép môi trường, nhất là quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật liên quan tới giấy phép môi trường cần phải được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất theo đúng quy định pháp luật và dựa trên nguyên tác phát triển bền vững. Điều này đặt ra trách nhiệm cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện cấp giấy phép môi trường cho các đơn vị, dự án đầu tư phải chính xác và kịp thời.

Thứ ba, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, bảo vệ môi trường của cơ quan Nhà nước cũng như các chủ thể kinh doanh, đầu tư trong quá trình quản lý và sử dụng giấy phép môi trường, nhằm bảo đảm phát huy đúng vai trò, mục đích, ý nghĩa của giấy phép môi trường trong quá trình quản lý, bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế xã hội. Chỉ khi nhận thức pháp luật về môi trường được nâng cao, quá trình thực thi pháp luật mới đạt hiệu quả, các quy định của pháp luật mới phát huy giá trị và tác dụng của nó.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là điển hình của việc thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có những thay đổi khá lớn so với Luật BVMT năm 2014, là một Luật được quy định chi tiết ngay từ thời gian đầu tiên có hiệu lực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi Luật trên thực tế. Theo nhiệm vụ của mình, các Bộ đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn. Trong đó, vấn đề “xương sống” để kiểm soát môi trường là các tiêu chuẩn môi trường cũng đã và đang được ban hành, dự kiến đến cuối năm nay sẽ ban hành bộ quy chuẩn chung về môi trường cho tất cả các ngành nghề.

6422569212923

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là điển hình của việc thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đã lồng ghép 7 GPMT trong 1 loại giấy phép MT. Các dự án nhóm 1, 2, 3 (những dự án cơ sở có phát sinh chất thải phải xử lý) mới phải xem xét cấp GPMT; giảm thời hạn cấp GPMT xuống còn 15 ngày; những GPMT không có thời hạn sẽ được sử dụng trong vòng 05 năm kể từ ngày cấp.

Qua thực tiễn thực hiện cho thấy một số bất hợp lý nên thực tế, các cơ quan chức năng đang rà soát lại quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP về quy trình, thủ tục thẩm định cấp phép môi trường để sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động này.

Nên gọi là “Giấy phép bảo vệ môi trường”

LS Nguyễn Thu Hoài, Phó trưởng Ban Chính sách luật sư, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận xét: Quy định về giấy phép môi trường (GPMT) là một nội dung mới trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đây là một loại giấy phép vừa có giá trị pháp lý về BVMT, vừa đem lại lợi ích kinh tế cho các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép. ích kinh tế và yêu cầu BVMT trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về GPMT ở nước ta trong thời gian qua cũng cho thấy nhiều hạn chế. Cụ thể, pháp luật còn thiếu quy định chi tiết, cụ thể về điều kiện cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát đối với các trường hợp doanh nghiệp xin cấp các loại GPMT vượt quá quy mô, tính chất của dự án hoạt động cũng như yêu cầu về BVMT của dự án. Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 (điểm c khoản 1 Điều 28), quy định các doanh nghiệp phải hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường rồi mới làm hồ sơ xin GPMT. Đây là một rủi ro cho doanh nghiệp cần phải lưu ý khi chi phí đầu tư cao cho các công nghệ xử lý nước thải, xử lý chất thải và các hệ thống quản lý môi trường khác. Chi phí đầu tư cao này có thể khiến cho việc xin giấy phép môi trường trở nên khó khăn hơn. Việc nâng chi phí thẩm định có thể là một rào cản đối với các doanh nghiệp trong việc xin giấy phép do chi phí thẩm định cao, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được sẽ rất khó để có thể xin giấy phép. Do đó, doanh nghiệp phải cân nhắc thật kỹ trước khi làm các thủ tục xin Giấy phép môi trường.

642257ded988e

Luật sư Nguyễn Thu Hoài, Phó trưởng Ban Chính sách luật sư, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Thực tế trong quá trình cấp GPMT, nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng thời gian theo quy định chỉ khoảng 30 – 45 ngày làm việc (khoản 4 Điều 43 Luật BVMT năm 2020). Tuy nhiên, theo quy định hiện tại, việc tích hợp nhiều loại giấy phép trong một sẽ mất nhiều thời gian để kiểm tra, xác minh, thẩm định về việc đáp ứng các điều kiện theo luật định. Vì vậy, thời gian thực tế để xin được GPMT thông thường phải mất ít nhất là 01 năm hoặc hơn 01 năm.

GPMT theo Luật BVMT năm 2020 đã tích hợp các loại giấy phép theo Luật BVMT năm 2014, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Thuỷ lợi năm 2017. Việc này sẽ tránh được sự chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn trong nội dung cấp phép và giảm được thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm vấn đề ô nhiễm môi trường được kiểm soát cũng như giúp doanh nghiệp cắt giảm được nhân lực bố trí cho hoạt động xin các loại giấy phép. Doanh nghiệp cũng chủ động hơn trong việc tuân thủ pháp luật do chỉ phải thực hiện đúng theo một giấy phép. Tuy nhiên, với quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về GPMT, có thể xem xét về tên gọi giấy phép: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sử dụng tên giấy phép là GPMT nhưng nội dung của giấy phép là kiểm soát các hoạt động hành vi gây tác động xấu tới môi trường và không bao gồm toàn bộ hành vi liên quan đến môi trường nên phạm vi của tên giấy phép rộng hơn nội dung của giấy phép. Bên cạnh đó, giấy phép này được quy định trong văn bản luật có tên là Luật Bảo vệ môi trường nên tạo ra sự không phù hợp giữa tên gọi của giấy phép với tên của văn bản luật.

LS Hoài kiến nghị gọi giấy phép này là “Giấy phép bảo vệ môi trường” để bảo đảm tính thống nhất giữa nội dung và tên gọi của giấy phép và tên của văn bản Luật.

Cần thay đổi quá trình “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”

LS Đặng Phương Chi, Công ty Luật TNHH TGS nhận định: Mặc dù có nhiều điểm mới, nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vẫn còn bộc lộ những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện, chẳng hạn như trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.

64225af241e5d

LS Đặng Phương Chi, Công ty Luật TNHH TGS.

Điều 28 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường bao gồm kết quả hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường. Như vậy, đối với các dự án vừa thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, vừa thuộc đối tượng phải xin cấp giấy phép môi trường thì trước đó, doanh nghiệp phải hoàn thành công trình bảo vệ môi trường thì mới có cơ sở để làm báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường. Quy định này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp, bởi không phải trường hợp nào hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường cũng được duyệt ngay từ lần đầu tiên. Thực tế có trường hợp nhiều doanh nghiệp đã đầu tư tài chính, công sức, thời gian vào để hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường nhưng sau khi nộp báo cáo đề xuất xin giấy phép môi trường lại không được duyệt, điều này gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.

Hơn nữa, pháp luật hiện nay chưa quy định cụ thể các tiêu chí của cơ quan có thẩm quyền về điều kiện, tiêu chuẩn đánh giá đối với công trình bảo vệ môi trường sau khi đã hoàn thành. Đây cũng là một lý do mà các doanh nghiệp sau khi hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường nhưng báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường không được duyệt. Bên cạnh đó, đối với vấn đề sức chịu tải của môi trường, hiện nay Luật chưa quy định rõ quy chuẩn nào được áp dụng để đánh giá sức chịu tải của môi trường do đó doanh nghiệp làm thế nào để biết được sức chịu tải của môi trường tại nơi đặt dự án, áp dụng quy chuẩn nào để doanh nghiệp tuân theo là một vấn đề cần lưu ý. Trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần phải xác định rõ và điều chỉnh lại quy chuẩn cho phù hợp với từng tiêu chí để doanh nghiệp có thể hiểu đúng và đủ để thực hiện.

642257dee3626

Các đại biểu thảo luận tại Tọa đàm.

Từ những bất cập đang tồn đọng qua thực tiễn áp dụng, LS Đặng Phương Chi đề xuất một vài kiến nghị hoàn thiện pháp luật như sau:

Thứ nhất, cần thay đổi quá trình “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Tức là quy định pháp luật sẽ xây dựng những điều kiện, tiêu chí chung để làm cơ sở cho các cơ quan có thẩm quyền cấp GPMT. Cơ quan có thẩm quyền cấp GPMT căn cứ vào tình hình thực tiễn, đưa ra các điều kiện, yêu cầu liên quan, phù hợp với mục đích, quy mô dự án của chủ đầu tư, cơ sở sản xuất khi xin cấp GPMT. Việc đưa ra các điều kiện, tiêu chí, yêu cầu phù hợp sẽ giúp các chủ dự án đầu tư, chủ cơ sở sản xuất hoàn thành yêu cầu nhanh hơn và hạn chế được việc hồ sơ bị trả lại. Và khi nộp hồ sơ, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra chi tiết, làm cơ sở để cấp giấy phép môi trường cho chủ đầu tư, chủ cơ sở sản xuất;

Thứ hai, trong thời gian tới đây, cần đẩy mạnh việc xây dựng, nâng cao hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm khuyến khích các chủ dự án đầu tư, cơ sở gửi hồ sơ đề nghị cấp GPMT bằng bản điện tử. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ứng dụng hệ thống kỹ thuật số trong việc thu phí thẩm định cấp giấy phép môi trường sẽ góp phần hạn chế được tình trạng nhũng nhiễu, quan liêu của một số cán bộ, công chức, tiết kiệm chi phí cho chủ đầu tư, cơ sở sản xuất và giảm các tiêu cực phát sinh; đồng thời tăng cường được sự giám sát của các cơ quan nhà nước, của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Cần đơn giản, minh bạch hơn nữa thủ tục cấp giấy phép môi trường

Qua thời gian thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tại địa phương, ông Lê Đức Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh nhận thấy, mặc dù Luật BVMT được đánh giá có nhiều điểm mới về việc cấp giấy phép môi trường (GPMT) nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, nhưng quá trình triển khai thực hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thi hành còn thiếu những hướng dẫn chi tiết, cụ thể về đánh giá sức chịu tải của môi trường trong mối liên hệ với việc cấp giấy phép môi trường để bảo đảm cấp giấy phép này phù hợp với sức chịu tải của môi trường nhằm góp phần kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Thứ hai, việc phân định đối tượng thực hiện thủ tục hành chính về giấy phép môi trường căn cứ theo nội dung dự án, quy mô công suất; yếu tố nhạy cảm về môi trường còn gặp khó khăn. Nhiều dự án đã và đang bắt đầu lập hồ sơ nhưng lại bị lúng túng trong quá trình thực hiện khiến giấy phép môi trường bị trễ, không đúng như thời gian dự kiến ban đầu.

Thứ ba, theo quy định, các dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Như vậy, các dự án được miễn đăng ký môi trường theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP nhưng nếu có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thì vẫn phải lập ĐTM. Thực tế có một số dự án sử dụng rất ít đất lúa nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục ĐTM, điều này gây nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

6422606daa49f

Ông Lê Đức Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh.

Ngoài ra, còn có thể kể đến một số bất cập trong việc thực hiện cấp GPMT, như trường hợp cơ sở có nhiều giấy phép thành phần (GPTP), có loại có thời hạn, có loại không. Thực tế, các GPTP có thời hạn cũng không cùng thời điểm hết hạn hoặc có những loại GPTP còn thời hạn rất ngắn so với thời hạn 36 tháng quy định tại điểm này. Trong những trường hợp như vậy thì áp dụng thời gian cần phải có GPMT đối với các cơ sở này là như thế nào, 36 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành hay ngay sau khi GPTP còn thời hạn ngắn nhất hết hiệu lực?

Bên cạnh đó, việc xác định các yếu tố nhạy cảm về môi trường khi xác định thẩm quyền giải quyết hồ sơ và hướng dẫn phân loại đối tượng lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường cũng gặp nhiều khó khăn…

Nhằm tháo gỡ các vướng mắc của Luật Bảo vệ Môi trường và các văn bản hướng dẫn; nâng cao hiệu quả thực thi Luật, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT bằng các hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương và từng đối tượng, địa bàn (thông qua lồng ghép chuyên đề trong các hội nghị, lớp tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật mới theo kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật).

Thứ hai, cần đơn giản, minh bạch hóa thủ tục cấp giấy phép môi trường và chuyển sang hậu kiểm thay vì chỉ tiền kiểm.

Thứ ba, cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật môi trường hiện hành có liên quan đến Luật BVMT lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được phân công; thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật môi trường bảo đảm phù hợp với quy định của Luật BVMT.

Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện, bảo đảm nghiêm túc và hiệu quả Luật BVMT năm 2020. Để thực hiện nhiệm vụ này, các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân để chủ động ngăn ngừa những vi phạm chính sách, pháp luật về BVMT. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và các địa phương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở trong quá trình thực thi các chính sách, pháp luật về BVMT.

Thứ năm, phân cấp, phân quyền thêm cho các địa phương trong việc phân định nhóm dự án thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường; hướng dẫn rõ đánh giá sơ bộ tác động môi trường; phân định rõ tiêu chí xác định nội thành, nội thị làm cơ sở xác định dự án có yếu tố nhạy cảm môi trường.

Kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tiễn

Tiếp theo ý kiến của đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, bà Nguyễn Thị Hồng Linh, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh trình bày một số khó khăn, vướng mắc trong cấp thủ tục giấy phép môi trường khi triển khai thực tế. Cụ thể:

– Các dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải lập đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Tuy nhiên một số dự án (hạ tầng đô thị, xây dựng trường học, nhà văn hóa..) có diện tích thực hiện khá nhỏ (trong đó có diện tích đất trồng lúa) tuy nhiên vẫn phải thực hiện thủ tục cấp ĐTM gây kéo dài thời gian và khó khăn trong thực hiện dự án.

– Việc phân định đối tượng thực hiện thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường như giấy phép môi trường, đánh giá ĐTM căn cứ theo nội dung dự án (loại hình sản xuất), quy mô, công suất, yếu tố nhạy cảm về môi trường, tiêu chí phân loại dự án theo Luật Đầu tư công (nhóm A, B, C), theo phụ lục II, III, IV, V của Nghị định 08/2022 của chính phủ là khá phức tạp do phải xem xét, đối chiếu với nhiều Luật (Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Tài nguyên nước…), trong khi các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không được liệt kê chi tiết, rõ ràng.

6422648624456

Bà Nguyễn Thị Hồng Linh, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Bắc Ninh, Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Ninh.

– Việc cấp giấy phép môi trường tại các khu vực làng nghề chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện do chủ yếu hoạt động sản xuất, kinh doanh được thực hiện trên diện tích đất ở, đất nông nghiệp, đất vi phạm…

– Trên thực tế tại rất nhiều cụm công nghiệp hiện nay chưa có hạ tầng đồng bộ, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung dẫn đến các cơ sở nhỏ lẻ phải tự đầu tư các công trình, hệ thống xử lý chất thải, ngoài ra nhiều đơn vị chủ hạ tầng trong quá trình xây dựng nhà xưởng không đề nghị cấp giấy phép xây dựng (hoặc xây dựng không đúng theo giấy phép), không đảm bảo về công tác phòng cháy chữa cháy… đã hoạt động cho thuê nhà xưởng dẫn đến khó khăn cho các cơ sở, doanh nghiệp khi thuê nhà xưởng đề thực hiện dự án đầu tư hoàn thiện được các hồ sơ pháp lý để được cấp giấy phép môi trường.

Từ đó, bà Linh kiến nghị một số giải pháp chính:

– Tăng cường công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức tập huấn Luật…);

– Cấp có thẩm quyền cần kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện;

– Bổ sung, tăng cường lực lượng cán bộ có chuyên môn đáp ứng  quản lý trong công tác bảo vệ môi trường;

– Tăng cường kiểm tra, hậu kiểm sau khi cấp giấy phép môi trường;

– Địa phương cần có giải pháp đồng bộ trong việc quy hoạch các khu vực sản xuất, thương mại, dịch vụ, đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.

Qua các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm, TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, giữa các cấp quản lý, các đối tượng quản lý đã có sự hiểu không thống nhất các quy định của pháp luật mà cụ thể ở đây là Luật Bảo vệ môi trường. “Bởi nó rất phức tạp, khó hiểu, vô hình trung đã tạo ra những ách tắc trong việc thực thi pháp luật. Tọa đàm hôm nay cũng phát hiện ra nhiều vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể trong lĩnh vực cấp giấy phép môi trường. Ngoài việc quy định của pháp luật còn chưa cụ thể, rõ ràng, thủ tục rườm rà, việc cấp phép liên quan đến vấn đề môi trường vô cùng rộng lớn, nhưng thực tiễn rất thiếu cán bộ chuyên trách, gây kéo dài thời gian cấp phép môi trường cho doanh nghiệp. Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác liên quan như: Thời điểm cấp phép (liên quan đến vấn đề tiền kiểm, hậu kiểm) đã vô tình hạn chế quyền của doanh nghiệp; thẩm quyền cấp phép cũng cần được làm rõ để tránh sự hiểu lầm của các đối tượng quản lý”, ông Tùng nêu quan điểm.

642277394a5ba

Phát biểu kết luận tại Tọa đàm, ThS Đặng Ngọc Luyến khẳng định, Tọa đàm hôm nay các đại biểu nêu ý kiến trên tinh thần xây dựng để các quy định của pháp luật được hoàn thiện hơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó có việc cấp giấy phép môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

642277389e0ce

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Ý kiến của các đại biểu tại Tọa đàm sẽ được đăng tải trên Tạp chí Luật sư Việt Nam để rộng đường dư luận, nhằm đưa pháp luật về môi trường nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần vào công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

(Theo lsvn.vn)