Một số bất cập, vướng mắc của Bộ luật Hình sự hiện hành và hướng hoàn thiện

(LSVN) – Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích, bình luận một số một số bất cập của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và đề xuất hướng hoàn thiện.

62a2acce733fa

Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn áp dụng Bộ luật Hình sự hiện hành có thể nhận thấy một số bất cập, vướng mắc sau đây:

– Bất cập trong các quy định liên quan đến tịch thu tài sản.

Trong Bộ luật Hình sự hiện hành, tịch thu tài sản được quy định tại Điều 45. Theo đó, tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước. Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật Hình sự quy định. Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống. Ngoài điều 45 nói trên, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định 59 tội có hình phạt bổ sung tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người bị kết án. Cụ thể là việc tịch thu, tài sản được áp dụng đối với 16/46 tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, 14/14 tội xâm phạm an ninh quốc gia, 9/13 tội về ma túy, 3/7 tội về tham nhũng [1] và 17 tội khác. Qua nghiên cứu các quy định về tịch thu tài sản trong Bộ luật hiện hành có thể thấy một số bất cập sau:

Thứ nhất, trong trường hợp hai người phạm tội trong cùng những tình huống, hoàn cảnh tương tự nhau, cùng phạm một loại tội, cùng tương đương về tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi tội phạm và bị kết án cùng mức án trong hình phạt chính nhưng một người có toàn bộ tài sản vài chục triệu đồng, trong khi đó người kia có toàn bộ tài sản vài trăm tỷ đồng và cả 2 người đều bị áp dụng hình phạt bổ sung: “tước toàn bộ tài sản nộp vào ngân sách của nhà nước”. Xem xét tình huống trên có thể thấy quy định tại Điều 45 là không hợp lý, không bảo đảm nguyên tắc công bằng và không phản ánh đúng mối tương quan giữa tính nguy hiểm của hành vi tội phạm với mức độ nghiêm khắc của hình phạt.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 45: “Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật hình sự quy định”.

Quy định này cho thấy có hai khía cạnh không hợp lý: Thứ nhất, mức độ nghiêm khắc của hình phạt chính không phải là căn cứ xác định mức độ nghiêm khắc của hình phạt bổ sung. Bởi lẽ, trong mọi trường hợp phạm tội nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, mặc dù mức độ nguy hiểm của hành vi rất khác nhau nhưng đều có chung một mức độ của chế tài bổ sung: “tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước”. Thứ hai, quy định này không rõ ràng, rất khó áp dụng chính xác trong thực tiễn và rất dễ bị lạm dụng nếu người áp dụng không công tâm khách quan, bởi hành văn của điều luật không thể hiện rõ khi nào thì tòa án áp dụng hình phạt bổ sung: “tước một phần tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước” và khi nào thì “tước toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước”.

Ngoài ra, cụm từ tước một phần tài sản cũng là một khái niệm không rõ ràng. Cụ thể là một phần hai tài sản rất khác với 1 phần trăm hoặc một phần nghìn tài sản… Có thể thấy đây cũng là điểm bất cập của Bộ luật Hình sự hiện hành. Nếu như mục đích của hình phạt là trừng trị và giáo dục người phạm tội, thì bản thân pháp luật phải hợp lý và công bằng, trái lại, pháp luật không hoàn thiện và hình phạt chỉ mang tính trừng trị thì vô hình dung đã làm lu mờ mục đích giáo dục khi áp dụng hình phạt.

Thứ ba, theo quy định tại khoản 2, Điều 32 của Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”.

Quy định này cho thấy, nhà nước thừa nhận và bảo hộ quyền sở của công dân, chỉ trong trường hợp “thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai” quyền sở hữu của công dân mới bị hạn chế bởi nhà nước nhưng có bồi thường. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, quyền con người quyền công dân (trong đó có quyền sở hữu) cũng có thể bị hạn chế trong những trường hợp nhất định. Cụ thể là theo khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 thì “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Quy định này cho thấy quyền sở hữu có thể bị hạn chế từ phía nhà nước mà không bị tước bỏ toàn bộ (có thể bị tước một khoản nào đó như phạt tiền, tịch thu một phần… mà  không bị tịch thu toàn bộ tài sản) trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Tóm lại, theo quy định của Hiến pháp 2013 không có  quy định nào rõ ràng cho phép nhà nước tịch thu toàn bộ tài sản của cá nhân tổ chức mà chỉ có thể là tịch thu một phần. Hơn nữa, việc tịch thu một phần cũng chỉ giới hạn trong phạm vi các tội xâm phạm một số lĩnh vực quan trọng: “quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Như vậy, có thể thấy rằng, việc quy định “tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước” trong các điều luật của phần các tội phạm cụ thể nói trên của Bộ luật Hình sự hiện hành là chưa thật sự thuyết phục.

Theo tác giả, việc áp dụng hình phạt tịch thu tài sản trong lĩnh vực hình sự chỉ phù hợp với trước đây, khi nhà nước non trẻ vừa mới ra đời, vì sự sống còn của chế độ buộc chúng ta phải tịch thu tài sản của những thế lực phản động, của những người phạm tội liên quan đến an ninh quốc gia (lúc bấy giờ gọi là các tội phản cách mạng) nhằm loại bỏ điều kiện vật chất để họ không có cơ hội chống lại chúng ta, hoặc là trong điều kiện vận hành nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, lúc bấy giờ chúng ta đang tập trung sức người sức của chi viện cho chiến trường miền Nam, nhà nước thực hiện phân phối sản phẩm hàng hóa theo kế hoạch, nghiêm cấm việc mua đi bán lại với mục đích kiếm lời và coi đó là hành vi vi phạm pháp luật. Trong thời kỳ đó, những người có tài sản lớn hơn người bình thường khác thường gắn với kinh tế “chợ đen” hoặc là tham ô tài sản của tập thể, của nhà nước.

Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay, việc áp dụng hình phạt tịch thu tài sản  là không còn phù hợp nữa. Tuy nhiên, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời cần phải có công cụ hữu hiệu để đấu tranh phòng chống tội phạm trong những trường hợp cần thiết, đặc biệt là để đấu tranh phòng chống các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm về tham nhũng, chúng tôi cho rằng, đối với các tội có quy định tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản nên hoàn thiện theo hướng sau:

Thứ nhất, việc tịch thu tài sản chỉ nên giữ lại đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, và một số tội phạm về tham nhũng [2] và các tội phạm về ma túy, vì các nhóm tội này xâm phạm những quan hệ xã hội quan trọng nhất, liên quan đến sự tồn tại của nhà nước, sự sống còn của chế độ xã hội chủ nghĩa và sức khỏe của cộng đồng, bắt buộc phải có biện pháp nghiêm khắc nhất. Tuy nhiên, xét về kỹ thuật lập pháp, vấn cần đảm bảo cho các quy định này phù hợp với Hiến pháp năm 2013 [3].

Thứ hai, cần bổ sung quy định tịch thu tài sản không phải là vật chứng mà không rõ nguồn gốc [4] nộp vào ngân sách nhà nước đối với các tội trên [5]. Có thể nói, đây là một khoảng trống trong quy định của pháp luật hình sự hiện nay. Theo quy định hiện hành, nếu là tài sản thuộc công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội; vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành. thì có thể bị áp dụng biện pháp tư pháp để tịch thu. Nếu là tài sản thuộc sở hữu của người phạm tội có thể tịch thu nếu bị áp dụng hình phạt bổ sung. Vậy tài sản không phải là vật chứng và không rõ nguồn gốc xử lý thế nào vẫn cần một căn cứ pháp lý rõ ràng.

Thứ ba, nhằm bảo đảm mục đích trừng trị, giáo dục và tính nghiêm khắc của hình phạt, khi bỏ quy định tịch thu tài sản thuộc sở hữu của người phạm tội trong các điều luật trên, cần tăng mức phạt tiền (với tính cách là hình phạt bổ sung) đối với các tội trên một cách thoả đáng. Mức phạt tiền cần tính đến sự tương quan với tính chất, mức độ nghiêm khắc của hình phạt chính.

– Vướng mắc, bất cập trong áp dụng Điều 47 của Bộ luật Hình sự hiện hành.

Theo quy định tại Điều 47 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội; vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành. Điểm đáng chú ý thứ nhất, là tại Điều 47, “vật, tiền” có thể được sử dụng làm công cụ phương tiện để thực hiện tội phạm, đồng thời “vật, tiền” cũng có thể là” sản phẩm” có được do việc thực hiện tội phạm và đều là đối tượng bị tịch thu để sung vào ngân sách của nhà nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy chúng ta đang đứng trước kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì thuật ngữ vật, tiền không đã không phản ánh đầy đủ những gì mới xuất hiện như đồng tiền điện tử, phần mềm máy tính, games điện tử, phần mềm trí tuệ nhân tạo… đều không phải “vật, tiền” (vì không thuộc về thế giới vật chất mà con người có thể nhận biết qua thị giác, xúc giác) nhưng có thể quy đổi thành giá trị vật chất và trong nhiều trường hợp đều có thể sử dụng làm công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm. Từ phân tích trên, để tạo thuận lợi cho hoạt động thực tiễn, Điều 47 của Bộ luật Hình sự hiện hành cần được sửa đổi theo hướng ngoài “vật, tiền” phải bổ sung thêm “các sản phẩm khác do con người tạo ra có giá trị vật chất” để khắc phục bất cập này .

Điểm đáng chú ý thứ hai là, tại Điều 47 của Bộ luật Hình sự không quy định rõ ràng cụ thể  việc áp dụng biện pháp tư pháp được áp dụng trong trường hợp phạm tội do cố ý hay vô ý. Tuy nhiên, cần phải thống nhất nhận thức rằng, việc tịch thu công cụ phương tiện dùng vào việc phạm tội chỉ có thể được áp dụng với các trường hợp phạm tội do lỗi cố ý, bởi theo hành văn của điều luật là: “Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội”. Điểm lưu ý ở đây là động từ “dùng” đã phản ánh đầy đủ hoạt động có ý thức của chủ thể. Vì vậy, “dùng” phương phương tiện công cụ để phạm tội đương nhiên là đã thể hiện rõ ràng hình thức lỗi cố ý. Mặc dù vậy, thực tiễn hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng cho thấy trường hợp phạm tội do vô ý thì có áp dụng biện pháp tư pháp hay không vẫn là câu hỏi còn nhiều tranh cãi.

Đặc biệt là đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Điều 260 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017). Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần phải tịch thu phương tiện giao thông đã gây ra tai nạn nếu người gây ra tai nạn là chủ sở hữu của phương tiện, (hoặc chủ sở hữu có lỗi trong việc để người gây tai nạn sử dụng phương tiện) vì đây là phương tiện đã được dùng vào việc phạm tội, do đó cần áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật Hình sự hiện hành để tịch thu. Quan điểm thứ hai cho rằng, không thể tịch thu phương tiện mà phải trả lại cho chủ sở hữu nếu việc trả lại phương tiện không ảnh hưởng đến việc thi hành bản án liên quan đến bồi thường thiệt hại hoặc án phí. Với lý giải, đây là hành vi  vô ý phạm tội, phương tiện giao thông không “dùng” vào việc phạm tội, trước khi gây tai nạn người điều khiển phương tiện không có ý định thực hiện hành vi phạm tội vì thể không thể tịch thu. Như vậy, thực tiễn áp dụng pháp luật còn có quan điểm khác nhau về vấn đề này do nhận thức khác.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, cần phải theo quan điểm thứ 2. Bởi vì phương tiện tham gia giao thông chỉ được “dùng” để di chuyển không phải được “dùng” vào việc phạm tội, việc gây ra tai nạn hoàn toàn nằm ngoài ý thức chủ quan của người gây ra tai nạn và họ không hề mong muốn cho tai nạn xảy ra. Mặt khác, việc áp dụng biện pháp tịch thu vật, tiền với tính cách là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội là biện pháp tư pháp mang tính phòng ngừa tội phạm, nhằm ngăn chặn việc sử dụng công cụ, phương tiện để thực hiện tội phạm sau này. Do vậy, việc tịch thu phương tiện giao thông nói trên không phù hợp với mục đích của biện pháp tư pháp. Ngoài ra, nhân đạo là một trong các nguyên tắc cơ bản của luật hình sự, trong trường hợp trên, nếu áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện tham gia giao thông vì phạm tội với lỗi vô ý thì không phù hợp với nguyên tắc này và hoàn toàn không đủ sức thuyết phục. Từ thực tế đó, để bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn về vấn đề này theo hướng không tịch thu phương tiện khi giải quyết các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260 của Bộ luật Hình sự hiện hành.

– Về các quy định liên quan đến các tình tiết “người đủ 70 tuổi trở lên”, “Người già yếu” và “Người đã quá già yếu” quy định trong Bộ luật Hình sự.

Xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo và văn hóa truyền thống của dân tộc trong lĩnh vực hình sự, đối tượng người già được nhà lập pháp dành sự quan tâm chú ý hơn so với các đối tượng khác, thường là có lợi hơn khi họ phạm tội hoặc là trừng trị nghiêm khắc hơn khi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Trong Bộ luật hình sự đầu tiên của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã sử dụng thuật ngữ người già trong các quy định về tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ. Cụ thể là tại điểm e khoản 1 Điều 38 (tình tiết giảm nhẹ) và điểm đ khoản 1 Điều 39 (tình tiết tăng nặng) của Bộ luật Hình sự năm 1985. Trong phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999 tiếp tục sử dụng khái niệm “Người già” để quy định về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự (điểm m khoản 1 Điều 46 và điểm h khoản 1 Điều 48). Bộ luật Hình sự hiện hành không sử dụng thuật ngữ người già, thay vào đó là thuật ngữ “Người từ 70 tuổi trở lên”.

Trong Bộ luật Hình sự hiện hành, thuật ngữ “Người từ 70 tuổi trở lên” được sử dụng tại điểm o khoản 1 Điều 51 và điểm i khoản 1 Điều 52 để quy định về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự. Ngoài điều 51 và điều 52 nói trên, thuật ngữ “người từ 70 tuổi trở lên” còn được sử dụng định tại điểm c khoản 2 Điều 301 (Tội “Bắt cóc con tin”). Việc thay đổi này là bước tiến tích cực của kỹ thuật lập pháp. Nếu như tình tiết “Người già” trước đây  phải cần đến văn bản hướng dẫn thì tình tiết “Người từ 70 tuổi trở lên” là rất rõ ràng, có thể áp dụng được ngay. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự hiện hành vẫn tiếp tục sử dụng thuật ngữ “Người quá già yếu” là tình tiết và là điều kiện để xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 64. Ngoài ra, thuật ngữ “Người già yếu” vẫn được sử dụng với tính cách là tình tiết định khung tại rất nhiều điều luật quy định về các tội phạm cụ thể, bao gồm: Điểm c khoản 1 Điều 134, điểm c khoản 2 Điều 137, điểm a khoản 2 Điều 140, điểm e khoản 2 Điều 157, điểm e khoản 2 Điều 168, điểm c khoản 2 Điều 170, điểm g khoản 2 Điều 171, điểm a khoản 2 Điều 185, điểm b khoản 2 Điều 297, điểm b khoản 2 Điều 368, điểm b khoản 2 Điều 370, điểm c khoản 2 Điều 371, điểm d khoản 2 Điều 373, điểm c khoản 2 Điều 374 và điểm d khoản 2 Điều 377.

Trong thực tiễn hiện nay, việc áp dụng tình tiết liên quan đến các thuật ngữ “Người quá già yếu” vẫn phải dựa vào hướng dẫn của tại Điểm a, Tiểu mục 4.1 Mục 4 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC: “Người quá già yếu” là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm”.Vậy, thuật ngữ “Người già yếu” là tình tiết định khung được quy định trong các tội nói trên mà chưa có hướng dẫn thì được hiểu như thế nào? Thuật ngữ này không rõ ràng, gây khó khăn trong nhận thức và khó bảo đảm tính thống nhất trong thực tiễn áp dụng pháp luật của cơ quan chức năng. Ngoài ra, cũng cần phải lưu ý rằng, Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là văn bản hướng dẫn đối với Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi năm 2007), Bộ luật này đã bị thay thế bởi Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017). Vì vậy, về nguyên tắc Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là văn bản đã hết hiệu lực (vì văn bản gốc đã hết hiệu lực). Việc áp dụng một văn bản đã hết hiệu lực là điều hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay [6].

Qua nghiên cứu có thể thấy rằng, Bộ luật Hình sự hiện hành sử dụng ba khái niệm “Người từ 70 tuổi trở lên”, “Người già yếu” và “Người quá già yếu” để chỉ một đối tượng có tính tương đồng nhằm hiện thực hóa nguyên tắc nhân đạo trong lập pháp hình sự là điều không hợp lý, vừa không bảo đảm tính logic, tính khoa học vừa gây khó khăn cho nhận thức và hoạt động thực tiễn hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự có thể bắt gặp các đối tượng sau đáng lưu ý: Người từ 70 tuổi trở lên khỏe mạnh; người từ 70 tuổi trở lên thường xuyên đau ốm; người từ 60 tuổi đến 70 tuổi thường xuyên đau ốm; người dưới 60 tuổi thường xuyên đau ốm. Theo quy định hiện hành người dưới 60 tuổi thường xuyên đau ốm không phải là đối tượng được xem xét khi xác định là tình tiết định khung được quy định trong phần các tội phạm cụ thể của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự, Những người dưới 60 tuổi nhưng kém may mắn, thường xuyên đau ốm, bản thân họ là người chịu thiệt thòi, đồng thời họ là gánh nặng của gia đình họ. Đây là đối tượng dễ bị tổn thương, rất cần được pháp luật bảo vệ ở mức độ cao hơn so với người bình thường và khi họ phạm tội cũng nên được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Từ phân tích trên cho thấy, Bộ luật Hình sự hiện hành nên hoàn thiện theo hướng không sử dụng thuật ngữ “người quá già yếu” là tình tiết xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 64 và thuật ngữ  “người già yếu” là tình tiết định khung quy định tại các điều luật trong phần các tội phạm cụ thể của Bộ luật Hình sự năm 2015 và thay thế bằng quy định “người từ 70 tuổi trở lên hoặc người dưới 70 tuổi nhưng thường xuyên đau ốm”. Quy định này sẽ rõ ràng hơn và đặc biệt mở rộng đối tượng được bảo vệ ở mức cao hơn hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự và phù hợp với đạo đức truyền thống, sự bao dung và lòng nhân ái của dân tộc.

– Vướng mắc trong áp dụng Điều 134 (tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”)

Thực tiễn áp dụng Điều 134 gặp vướng mắc sau:

Nguyễn Văn A.  (có mâu thuẫn với A. từ trước), thấy B. ngồi nhậu cùng với C. trong nhà, A. vào nhà B., dùng dao gây thương tích lần lượt là thương tích cho B. ( tỷ lệ 49%) và thương tích cho C. tỷ lệ là (21%). Do A. gây thương tích cho 2 bị hại với 2 mức thương tật khác nhau (49% và 21%), theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 thì không thể xác định điểm, khoản, khung hình phạt để xử lý A. Tình huống trên, dẫn đến những quan điểm khác nhau về việc áp dụng điểm, khoản nào của Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A. về tội “Cố ý gây thương tích” [7].

Quan điểm thứ nhất: Hành vi của A. phạm vào điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này”. Việc áp dụng điểm, khoản này là theo tinh thần áp dụng nguyên tắc có lợi đối với người phạm tội (lấy tỉ lệ tổn thương cơ thể 21% của bị hại C.), đồng thời, khi lượng hình cần xem xét đối với hành vi A. gây thương tích cho B. có tỉ lệ tổn thương cơ thể là 49%.

Theo chúng tôi quan điểm này không thuyết phục vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, không thể áp dụng nguyên tắc có lợi đối với người phạm tội trong trường hợp có lợi cho người phạm tội nhưng gây bất lợi cho nạn nhân. Nếu tội phạm không được trừng trị nghiêm khắc sẽ tạo ra tâm lý ấm ức, bức xúc, bất bình của nạn nhân, của gia đình họ và thậm chí của cả xã hội. Ngoài ra, việc áp dụng nguyên tắc có lợi đối với người phạm tội trong trường hợp này không bảo đảm tính nghiêm khắc của pháp luật và vi phạm nguyên tắc công bằng của pháp luật. Do vậy, không thể đồng tình với quan điểm thứ nhất.

Theo chúng tôi nguyên tắc có lợi đối với người phạm tội chỉ có thể được cân nhắc xem xét khi áp dụng nguyên tắc này không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, của cá nhân và tổ chức khác.

Thứ hai, giả sử A. chỉ gây thương tích cho một mình B. với tỷ lệ thương tật là 49% thì hình phạt đối với A.  nằm ở khung 2 và bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm. Vậy, A. vừa gây thương tích cho B. ( tỷ lệ 49%) và thương tích cho C. tỷ lệ là (21%) và hình phạt đối với A. cũng chỉ nằm ở khung 2 và chỉ có thể bị  phạt tù từ 02 năm đến 06 năm là điều hoàn toàn không hợp lý. Với những lý do trên, chúng tôi không tán thành với quan điểm thứ nhất.

Quan điểm thứ hai: Hành vi của Nguyễn Văn A. phạm vào điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS 2015 “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này”.

Theo quan điểm này, lấy tỉ lệ tổn thương cơ thể  cao nhất (49% của B.) để xử lý, đồng thời, khi lượng hình cần xem xét đối với hành vi gây thương tích của A. cho C. (21%). Có thể nhận thấy rằng quan điểm này thuyết phục hơn so với quan điểm thứ nhất vì những lý do sau: Thứ nhất, so với  quan điểm thứ nhất thì quan điểm này thể hiện rất rõ tính nghiêm minh của pháp luật, trong trường hợp không thể xác định điểm, khoản, khung hình phạt để xử lý  thì việc lấy tỉ lệ tổn thương cơ thể cao nhất (lớn nhất) để xử lý và khi lượng hình nên cân nhắc lượng hình với những tỉ lệ tổn thương cơ thể khác (nhỏ hơn)  là hợp lý. Thứ hai, việc xử lý nghiêm khắc hơn so với quan điểm thứ nhất hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhà nước  công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, mọi hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của con người của công dân cần được trừng phạt nghiêm khắc.

Qua phân tích tình huống trên, chúng tôi cho rằng điểm b, khoản 3 của Điều 134 cần được hoàn thiện theo hướng rõ ràng hơn, và hợp lý hơn và dễ áp dụng hơn trong thực tiễn. Cụ thể là: “b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của các nạn nhân cộng lại từ 31% đến 60%”.

Ngoài ra, qua nghiên cứu Điều 134 cho thấy, điểm c khoản 4 cũng cần được hoàn thiện theo hướng nghiêm khắc hơn và dễ áp dụng hơn. Cụ thể là không nên quy định: “c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên”. Tương tự như trên, thay vào đó: “c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của các nạn nhân cộng lại là  61% trở lên”.

Trên đây là phân tích, trao đổi của chúng tôi về những điểm vướng mắc, bất cập của Bộ luật Hình sự hiện hành và đề xuất một số hướng hoàn thiện.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hiến pháp năm 2013.

2. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).

3. Bộ luật Hình sự năm 1999.

4. Bộ luật Hình sự năm 1985.

5. Bộ luật Dân sự năm 2015.

6. Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

7. https://vksnd.gialai.gov.vn/Nghien-cuu-Trao-doi/can-huong-dan-ap-dung-sua-doi-dieu-134-bo-luat-hinh-su-1548.html.

8. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính.

trị quốc gia Sự thật, Hà nội 2021, tập 2. Tr. 145 – 146.

[1] Việc bổ sung hình phạt tịch  thu tài sản đối với các tội phạm về tham nhũng là nhằm thể chế hóa tinh thần nghị quyết Trung ương 3, Khóa X.

[2] Việc tiếp quy định tịch thu tài sản đối với các tội phạm tham nhũng hoàn toàn phù hợp với tinh  thần Nghị quyết XIII của Đảng. Đảng: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt, nghiêm minh, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”  (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà nội 2021, tập 2. Tr. 145 – 146).

[3] Cần tính đến việc sửa đổi Hiến pháp để bảo đảm việc quy định tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản trong những trường hợp này phù hợp với Hiến pháp.

[4] Cần phân biệt tài sản không rõ nguồn gốc với tài sản chưa xác định được chủ sở hữu.

[5] Trong trường hợp không thể xác định được chủ sở hữu không nên áp dụng điều Điều 228. Bộ luật Dân sư:  Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu vì không có căn cứ thuyết phục.

[6] Theo chúng tôi, trước mắt Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cần phải sớm ban hành văn bản mới thay thế hướng dẫn này.

[7] Xuân Quang – Ngọc Anh, Cần hướng dẫn áp dụng, sửa đổi Điều 134 Bộ luật Hình sự https://vksnd.gialai.gov.vn/Nghien-cuu-Trao-doi/can-huong-dan-ap-dung-sua-doi-dieu-134-bo-luat-hinh-su-1548.html 27/08/2021

Tiến sĩ TRẦN ĐÌNH THẮNG

Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh