Ngày 21/12/2024 tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Khóa bồi dưỡng “Kỹ năng của luật sư khi tham gia vụ án dân sự ở giai đoạn xét xử sơ thẩm”.
Tham dự chương trình, về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam có Luật sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thơ, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Đào tạo bồi dưỡng Liên đoàn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa đồng thời cũng là giảng viên của khóa bồi dưỡng.
Về phía Dự án JICA có Luật sư Tsukahara Masanori, Chuyên gia dài hạn Dự án JICA.
Khóa bồi dưỡng có sự tham dự của đông đảo các luật sư đại diện Ban Chủ nhiệm, Hội đồng Khen thưởng kỷ luật và thành viên của Đoàn Luật sư các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế.
Phát biểu tại khóa bồi dưỡng, Luật sư Nguyễn Đình Thơ, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Đào tạo bồi dưỡng, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức khóa bồi dưỡng “Kỹ năng của luật sư khi tham gia vụ án dân sự ở giai đoạn xét xử sơ thẩm”.
Luật sư Nguyễn Đình Thơ, Ủy viên BTV, Chủ nhiệm UB Đào tạo, bồi dưỡng LĐLSVN, Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại Hội thảo.
Khóa bồi dưỡng sẽ cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần thiết để giúp cho các Luật sư trao đổi, hiểu sâu hơn về kỹ năng của Luật sư ở giai đoạn xét xử sơ thẩm trong vụ án dân sự, trang bị các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho các Luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng ngày càng đạt được hiệu quả. Đây cũng là một hoạt động nâng cao hiệu quả tham gia tố tụng của luật sư trong tố tụng dân sự tại tòa án địa phương, nâng cao chất lượng thi hành pháp luật. Trong hội thảo ngày hôm nay, chuyên gia của Nhật Bản cũng sẽ chia sẻ thêm kinh nghiệm của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản khi bàn về chủ đề này. Qua đó, đội ngũ luật sư Việt Nam sẽ tham khảo những kinh nghiệm, kỹ năng của quốc tế trong lĩnh vực này.
Về phía Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Luật sư Masanori Tsukahara, Chuyên gia dài hạn Dự án JICA bày tỏ sự vinh dự khi JICA phối hợp cùng Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức khóa bồi dưỡng về lĩnh vực dân sự cho đoàn luật sư các tỉnh khu vực miền Trung.
Luật sư Tsukahara Masanori, Chuyên gia dài hạn Dự án JICA
phát biểu tại khóa bồi dưỡng.
Việc nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn giúp cho luật sư bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp cho khách hàng, có năng lực cạnh tranh trong xã hội pháp luật thường xuyên thay đổi, đồng thời thể hiện được sự tận tâm, uy tín của luật sư.
Trong chương trình buổi sáng của Khóa bồi dưỡng, Luật sư Nguyễn Đình Thơ trình bày về 02 chuyên đề là Khởi kiện vụ án dân sự và Thu thập tài liệu, chứng cứ.
Luật sư Nguyễn Đình Thơ trình bày các chuyên đề tại khóa bồi dưỡng
Trong chuyên đề về “Khởi kiện vụ án dân sự”, Luật sư Nguyễn Đình Thơ đã nêu ra một số nội dung luật sư cần trao đổi khi tiếp xúc với khách hàng để tư vấn khách hàng nên khởi kiện hay không nên khởi kiện, phân tích từ các khía cạnh pháp lý, giúp khách hàng hiểu rõ về quyền và lợi ích trong từng trường hợp, để đương sự tự nhận thức được việc khởi kiện hay không khởi kiện là cần thiết. Bên cạnh đó, giảng viên cũng nêu ra những vấn đề luật sư cần tiếp tục hướng dẫn hoặc giải thích cho các đương sự trong trường hợp đương sự quyết định khởi kiện ra trước Tòa án có thẩm quyền. Tiếp theo, là những lưu ý khi soạn thảo đơn khởi kiện, trong đó phải bảo đảm điều kiện về hình thức và nội dung quy định của pháp luật, hướng dẫn của TANDTC, thể hiện được diễn biến của vụ việc, hồ sơ khởi kiện cần bảo đảm đầy đủ các giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại khóa bồi dưỡng
Bước sang chuyên đề về “Thu thập tài liệu, chứng cứ và cung cấp chứng cứ”, Luật sư Thơ cho biết để chuẩn bị cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình được tốt, đương sự cần chuẩn bị cho mình những chứng cứ cần thiết. Luật sư cần phải xác định được nội dung, phạm vi thu thập chứng cứ, nếu không sẽ dẫn đến hệ quả là quá trình thu thập chứng cứ sẽ tràn lan; cần xác định đúng quan hệ pháp luật tranh chấp, trên cơ sở đó xác định những vấn đề cần chứng minh của vụ án và tài liệu cần thiết phục vụ cho việc chứng minh. Sau khi đã thu thập được các chứng cứ cần thiết Luật sư cần hướng dẫn các đương sự cung cấp các chứng cứ cho Tòa án. Giảng viên phân tích những lưu ý quan trọng khi cung cấp chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và cung cấp chứng cứ tại phiên tòa.
Trong phần chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản, Luật sư Tsukahara Masanori – Chuyên gia Dự án JICA đã trình bày về quá trình chuẩn bị tố tụng dân sự của luật sư Nhật Bản. Khi làm việc với bên cần tư vấn, luật sư cần xem xét các vấn đề của bên cần tư vấn có phải là vấn đề pháp lý và có thể giải quyết được bằng cách áp dụng pháp luật hay không. Ngoài ra, các yếu tố cần xem xét bao gồm: Liệu có thể làm rõ những yếu tố cấu thành mang tính pháp luật hay không? Chứng cứ có đủ không? Có thể dự đoán mức độ phản đối của bên đối phương và các bằng chứng phản bác như thế nào? Bên đối phương có khả năng thanh toán không? Liệu lợi ích mà bên cần tư vấn có thể nhận được từ kết quả tố tụng có vượt quá chi phí tố tụng và phí luật sư không? Trong chế độ Tố tụng dân sự Nhật Bản, những yêu cầu pháp lý và khoản tiền yêu cầu mà nguyên đơn ghi trong đơn khởi kiển sẽ trở thành đối tượng Tòa án xét xử. Nói cách khác, kể cả trường hợp Thẩm phán thấy rằng ngoài những yêu cầu được ghi trong đơn khởi kiện, nguyên đơn có thể yêu cầu những yêu cầu khác nhưng theo nguyên tắc Thẩm phán sẽ không xét xử những yêu cầu khác đó.
Luật sư Tsukahara Masanori, Chuyên gia dài hạn Dự án JICA
trình bày chuyên đề tại khóa bồi dưỡng.
Chuyên gia Nhật Bản cũng nêu ra những điểm cần lưu ý trong quá trình tố tụng như phán đoán sự cần thiết của việc bổ sung chứng cứ, lập luận; dự đoán kết quả của phán quyết, cân nhắc xem có nên chấp nhận giải quyết thông qua hòa giải hay không.
Bước sang chương trình buổi chiều, Luật sư Nguyễn Đình Thơ tiếp tục bài giảng với 02 chuyên đề về “Nghiên cứu hồ sơ vụ án, xây dựng luận cứ” và “Kỹ năng của luật sư tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm”.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại khóa bồi dưỡng
Nghiên cứu hồ sơ vụ án là một công việc hết sức quan trọng và cần thiết. Là luật sư của nguyên đơn thì sau khi nghiên cứu sơ bộ toàn bộ hồ sơ vụ án, đến phần nghiên cứu chi tiết thì nên bắt đầu từ việc nghiên cứu hồ sơ từ tài liệu do phía bị đơn cung cấp. Quá trình đánh giá chứng cứ còn tìm ra các bất hợp lý trong các chứng cứ do các đương sự khác cung cấp, Luật sư cần phải tận dụng những điều đó để vạch ra cho Tòa án thấy được những bất cập liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích của đối thủ của mình. Giảng viên cũng phân tích các khâu để có được một bản luận cứ sắc sảo, có tính thuyết phục, cơ cấu của bản luận cứ.
Về kỹ năng của luật sư tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm, những vấn đề cần lưu ý trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa như các yêu cầu hoãn phiên tòa, các yêu cầu cung cấp thêm chứng cứ hoặc triệu tập thêm người làm chứng, phần hỏi đáp tại phiên tòa trong đó có các kỹ năng ghi chép diễn biến của phiên tòa, đặt câu hỏi, tranh luận tại phiên tòa. Khi trình bày quan điểm của mình, luật sư cần nhận định về các tình tiết quan trọng của vụ án, trình bày quá trình đánh giá chứng cứ và khẳng định giá trị chứng minh của các chứng cứ mà Luật sư đã đánh giá, sáng tỏ những tình tiết cần chứng minh của vụ án trên cơ sở đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Khi ở phiên tòa, luật sư trình bày bản luận cứ của mình sẽ giúp Tòa án hiểu được các quan điểm của mình, do đó phải lựa chọn một hình thức phù hợp để đạt được kết quả. Sau khi trình bày xong nên cung cấp cho tòa một bản sao để họ nghiên cứu được đầy đủ nội dung luật sư cần đề cập.
Khóa bồi dưỡng đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Những kiến thức, kinh nghiệm và bài tập tình huống được giảng viên chia sẻ đã góp phần giúp các luật sư nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và có thêm những kỹ năng, lưu ý cần thiết trong quá trình hành nghề. Bên cạnh đó, những nội dung trao đổi, thảo luận của các đại biểu tại khóa bồi dưỡng này là rất cần thiết, kịp thời và hữu ích, từ đó giúp các luật sư nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý tới khách hàng.
Kết thúc khoá bồi dưỡng, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định gửi lời cảm ơn chân thành tới Dự án JICA và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức khoá tập huấn rất bổ ích cho các luật sư và gửi tặng hai bức tranh gỗ cho Dự án JICA và LĐLSVN.