Không mua bảo hiểm cháy nổ cho cơ sở thuộc diện phòng cháy, chữa cháy, có thể bị xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Gần đây, đã xảy ra một số vụ cháy các công trình xây dựng, chợ trên địa bàn TPHCM.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam – cho biết các cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ đều phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định tại Nghị định 67/2023/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 6.9.2023) về bảo hiểm bắt buộc của chủ xe, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Căn cứ khoản 2 Điều 2 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ được xác định theo quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, trong đó bao gồm: Chợ; trung tâm thương mại, điện máy; siêu thị; cơ sở kinh doanh dịch vụ, ăn uống có tổng diện tích kinh doanh từ 100 m2 trở lên hoặc có tổng khối tích từ 500 m3 trở lên; cơ sở kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ có tổng diện tích kinh doanh từ 50 m2 trở lên hoặc có tổng khối tích các khối nhà phục vụ kinh doanh từ 200 m3 trở lên. (Phụ lục I Nghị định số 50/2024/NĐ-CP).
Theo quy định tại Điều 23 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, đối tượng bảo hiểm là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, bao gồm: Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; Các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm). Đồng thời, đối tượng bảo hiểm và địa điểm của đối tượng bảo hiểm phải được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm.
Trường hợp không mua bảo hiểm cháy, nổ cho các cơ sở được quy định thuộc diện phòng cháy, chữa cháy thì chủ thể vi phạm sẽ bị xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm:
– Về xử phạt hành chính, chủ thể vi phạm sẽ bị xử phạt theo khoản 2 Điều 49 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, theo đó cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua theo quy định của pháp luật; tổ chức vi phạm sẽ bị áp dụng mức phạt gấp đôi mức trên.
– Về trách nhiệm hình sự, cá nhân vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy mà có yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu về “Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” tại Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), tùy theo mức độ thiệt hại mà có thể chịu hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù nhẹ nhất 02 năm, nặng nhất 12 năm.
Vừa qua tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xét xử các bị cáo trong vụ cháy chung cư mini làm 56 người chết, trong đó một bị cáo bị tuyên xử chịu mức án cao nhất là 12 năm tù giam về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
“Công tác phòng cháy, chữa cháy là nội dung quan trọng mà tất cả các cơ sở có nguy cơ cháy nổ buộc phải tuân thủ nghiêm chỉnh nhằm ngăn chặn thiệt hại đáng tiếc về người và của, bất kỳ hành vi vi phạm nào đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, Luật sư Hậu khuyến cáo.
(theo laodong.vn)