Nhận định về tội ‘Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản’ theo Bộ luật Hình sự 2015

(LSVN) – Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản (1).

635bfd2c922d4 1

Ảnh minh họa.

Từ định nghĩa trên có thể thấy rõ được lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là sử dụng sự tín nhiệm, tin tưởng của người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người đó. Để xác định được lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội danh khác cần căn cứ rất nhiều yếu tố như hành vi phạm tội, bản chất, mục đích của người phạm tội và dấu hiệu bị xâm phạm. Thực tế có thể thấy được cùng với một hành vi nhưng cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án lại khởi tố, truy tố, xét xử với một tội danh khác nhau. Ví dụ như:

Trường hợp thứ nhất, ngày 21/01/2022, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Tĩnh đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với P.X.H. (1997) trú tại xã Hương Vĩnh, Hương Khê về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, ngày 01/11/2021, do có nhu cầu sử dụng xe ô tô để đi lại nên P.X.H. (1997) đã thuê một chiếc xe ô tô tự lái trong thời hạn 10 ngày của anh T.H.Đ (1989) trú tại TP. Hà Tĩnh. Hết hạn thuê xe, H. liên hệ nơi cho thuê để tiếp tục gia hạn hợp đồng. Cũng trong thời gian này, H. nảy sinh ý định cầm cố chiếc xe trên để lấy tiền trả nợ, chi tiêu cá nhân. Vì vậy, ngày 22/11/2021, H. lên mạng xã hội Facebook liên hệ được với một người (không rõ tên tuổi địa chỉ) và đặt làm giả giấy đăng ký xe ô tô để cầm cố hòng qua mắt chủ tiệm cầm đồ. Để tạo lòng tin với chủ cơ sở cầm đồ, H. cho biết chiếc xe là của bố nhưng do gia đình cần tiền nên đưa đi cầm cố. Vì nghĩ rằng đó là giấy đăng ký xe thật đồng thời tin tưởng lời H. nói nên chủ cơ sở đồng ý nhận cầm cố chiếc xe ô tô với giá 105 triệu đồng. Sự việc chỉ bại lộ khi chủ chiếc xe yêu cầu H. thanh lý hợp đồng cho thuê nhưng H. liên tục đưa các lí do để trì hoãn. Đến ngày 15/01, chủ xe đã lên cơ quan công an để trình báo về sự việc trên (2).

Trường hợp thứ hai, TAND tỉnh Nghệ An xét xử L.Đ.T. về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, vào ngày 26/10/2020, T. đến cửa hàng cho thuê xe tự lái ký hợp đồng thuê chiếc Mazda CX 8 trong 07 ngày với số tiền là 14 triệu đồng. Hết hạn thuê xe, T. liên hệ nơi cho thuê để gia hạn hợp đồng. Ngày 23/11/2020, do cần tiền chi tiêu cá nhân nên T. đưa chiếc xe thuê đến cửa hàng cầm đồ để cầm lấy 60 triệu. Để tạo lòng tin, T. cho biết, chiếc xe là của mình nhưng nhờ chị họ đứng tên hộ. Từ ngày 25/11/2020 đến ngày 12/12/2020, T. 08 lần liên hệ với nơi cầm đồ để thỏa thuận và lấy thêm 240 triệu đồng. Tổng số tiền L.Đ.T. lấy từ việc cầm cố xe ô tô thuê là 300 triệu đồng. Sự việc chỉ bại lộ khi chủ chiếc xe yêu cầu T. thanh lý hợp đồng cho thuê. Đến lúc này, T. mới thừa nhận việc mình đã cầm chiếc xe thuê (3).

Từ thực tế cho thấy, cùng với một hành vi thuê xe, mượn xe rồi cầm cố phương tiện để chiếm đoạt tài sản của người bị vay mượn. Ở cả hai trường hợp nêu trên, các đối tượng đều thuê xe với mục đích ban đầu là sử dụng cho cá nhân, sau đó mới nảy sinh ý định cầm cố để lấy tiền chi tiêu cho bản thân và trả nợ. Với hành vi như vậy phù hợp với cấu thành khách quan mà tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, nhưng ở trường hợp thứ nhất Công an khởi tố P.X.H. với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; còn ở trường hợp thứ hai, L.Đ.T. bị xét xử với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ngay ở việc định tội danh đã có sự không thống nhất, nhất quán làm cho việc xét xử đúng người đúng tội phải mất nhiều thời gian.

Đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, mục đích gian dối được thể hiện ngay khi người đó đưa ra thông tin sai lệch nhằm chiếm đoạt tài sản. Do đó, ở trường hợp thứ nhất tôi không cho rằng P.X.H. phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà H. phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ý định P.X.H. nảy sinh cầm cố chiếc xe để lấy tiền trả nợ và chi tiêu cá nhân sau khi đã thuê được chiếc xe. Đây là một yếu tố quan trọng để phân biệt tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

(1) Bình luận Bộ luật Hình sự 2015, phần thứ hai các tội xâm phạm Chương XVI, Chương XVII – Đinh Văn Quế, trang 268.

(2) https://congan.hatinh.gov.vn/bai-viet/thue-xe-tu-lai-roi-mang-di-cam-co-chiem-doat-hon-100-trieu-dong_1643032396.caht

(3) https://laodong.vn/phap-luat/thue-xe-tu-lai-mang-di-cam-co-lay-300-trieu-linh-12-nam-tu-915642.ldo