Vẫn “nóng” với đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn

Chiều 14-2, tại TP HCM, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Vẫn nóng với đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn - Ảnh 1.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến 2 dự thảo luật chiều 14-2 tại TP HCM.

Đóng góp cho dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều đại biểu ủng hộ phương án (phương án 2 của dự thảo) không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng không nên thêm quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư để bảo đảm tính ổn định của chính sách hiện hành.

Theo đó, việc cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư tiếp tục được thực hiện như theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 69/2021/NĐ-CP. “Mặc dù nhà chung cư hết niên hạn sử dụng và phải phá dỡ nhưng người dân vẫn được bồi thường theo hệ số từ 1 đến 2 lần” – luật sư Hậu nói.

Cũng theo luật sư Hậu, Nhà nước chỉ hạn chế quyền sở hữu của người dân trong một số trường hợp đặc biệt để bảo vệ lợi ích công cộng. Tuy nhiên, cách thức quy định theo hướng hạn chế quyền sở hữu của người dân như tại dự thảo trong khi Nhà nước có công cụ khác để đảm bảo mục tiêu này, là chưa phù hợp.

“Quyền sở hữu là vĩnh viễn nhưng vấn đề là Nhà nước có chính sách bồi thường cho người dân có căn nhà mới cho phù hợp” – luật sư Hậu nói.

Vẫn nóng với đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Vinh Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM, cho rằng việc xác lập sở hữu nhà chung cư căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình (niên hạn) theo quy định của pháp luật về xây dựng còn có sự nhầm lẫn giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng tài sản, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích của người dân, chưa phù hợp với chế định bảo vệ quyền sở hữu trong hiến pháp, Bộ Luật Dân dự và các luật liên quan.

(Theo nld.com)