Độc lập, bình đẳng, tôn trọng, hợp tác, phối hợp, vì công lý là kim chỉ nam cho người Luật sư quyết định cách xử lý tình huống phát sinh trong mối quan hệ với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.
Ảnh minh họa.
Ví dụ như trường hợp Luật sư đang trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa, có Thẩm phán hoặc Kiểm sát viên rời khỏi phòng xét xử, người Luật sư nên ứng xử thế nào và căn cứ vào đâu để cho rằng ứng xử của Luật sư hợp lý, hợp tình. Qua trao đổi thực tiễn với tình huống trên sẽ có nhiều cách ứng xử khác nhau những chủ tập trung các cách sau:
Thứ nhất, Luật sư phản ứng ngay tức thì bằng cách trực tiếp yêu cầu người tiến hành tố tụng phải quay lại phòng xét xử để lắng nghe lời phát biểu của mình và khiếu nại ngay vì pháp luật quy định hoạt động xét xử liên tục, không gián đoạn và trách nhiệm người tiến hành tố tụng là phải tiến hành hoạt động tố tụng.
Thứ hai, Luật sư bỏ qua sự việc và coi như không biết việc người tiến hành tố tụng rời khỏi phòng xử án và tiếp tục phát biểu quan điểm của mình, vì cho rằng “anh không nghe đã có người khác nghe, anh không nghe anh không nắm được nội dung” và tại phần tranh luận sẽ là một lợi thế của Luật sư.
Thứ ba, Luật sư xử lý hài hòa hơn bằng cách dừng lại chờ, quan sát trong vòng vài chục giây để những người tiến hành tố tụng tự đánh giá, tự trao đổi, tự nhắc nhở thành viên khác cũng như người Luật sư đánh giá sơ bộ ngay vì sao người tiến hành tố tụng đó rời khỏi phòng xử án, vì lý do khách quan hay vì họ phản ứng lại lời phát biểu của mình hoặc họ không quan tâm…. Sau khi đã tạm dừng lại vài chục giây, có đánh giá sơ bộ về nguyên nhân mà không thấy phản hồi tích cực từ Chủ tọa phiên tòa, Kiểm sát viên, khi đó Luật sư sẽ có ý kiến và tạm dừng lời phát biểu để chờ sự tham gia đầy đủ của người tiến hành tố tụng.
Thứ tư, cùng với việc áp dụng một trong các cách trên, có người lựa chọn việc yêu cầu thư ký ghi vào biên bản phiên tòa và phản ánh, khiếu nại, tố cáo với cấp cấp có thẩm quyền sau phiên tòa.
Vậy căn cứ nào để đưa ra cách ứng xử và dựa vào đâu để cho rằng cách ứng xử đó là phù hợp, tác giả xin trao đổi như sau:
Thứ nhất, pháp luật quy định việc xét xử liên tục và người tiến hành tố tụng phải thực thi nhiệm vụ, trường hợp gián đoạn phiên tòa phải được tạm ngừng, hoãn hoặc Hội đồng quyết định tạm dừng (tạm nghỉ) trong khoảng thời gian ngắn. Do vậy, việc người tiến tố tụng phải có mặt đầy đủ khi xét xử là quy định pháp luật và Luật sư có quyền yêu cầu họ thực hiện nghĩa, vụ trách nhiệm này.
Thứ hai, Luật sư, người tiến hành tố tụng cũng là con người với phản đột xuất về sinh học, tâm lý, sự kiện khác,… Do vậy, có những trường hợp họ có thể chỉ rời khỏi phòng xử án một vài phút nhưng không phải vì sự thiếu tôn trọng Luật sư mà vì những lý do khách quan, Luật sư chỉ trích ngay cũng có thể là hơi vội vàng.
Thứ ba, lời bào chữa của Luật sư đã được chuẩn bị trên cơ sở nghiên cứu vụ việc, cân nhắc đảm bảo quyền lợi ích của khách hàng và cần được mọi thành viên Hội đồng xét xử lắng nghe vì họ quyền như nhau, cần được Kiểm sát viên lắng nghe để đối đáp và có quan điểm tranh luận. Do vậy nếu Luật sư bỏ qua việc vắng mặt của người tiến hành tố tụng và tiếp tục trình bày phát biểu có thể là không phù hợp, ảnh hưởng quyền lợi của khách hàng đặc biệt làm giảm lòng tin của khách hàng với nghề Luật sư.
Thứ tư, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã quy định và hướng dẫn cách ứng xử của Luật sư trong quan hệ với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nói chung và ứng xử tại phiên tòa nói riêng. Trong đó quy định Luật sư hợp tác, tôn trọng, lịch sự với người tiến hành tố tụng (Quy tắc 26, Quy tắc 27.1, 27.3); Luật sư chủ động, tích cực thực hiện quyền Luật sư (Quy tắc 26). Chủ động, tích cực thực hiện quyền của Luật sư bao hàm cả ý nghĩa có thể khiếu nại, tố cáo nếu cần thiết. Luật sư phải độc lập (Quy tắc 26, Quy tắc 27.2; Quy tắc 2), trường hợp này có thể hiểu nếu cả trong trường hợp Chủ tọa yêu cầu Luật sư tiếp tục trình bày khi thiếu thành viên hội đồng xét xử hoặc Kiểm sát viên, Luật sư cần phản đối vì Luật sư thực hiện theo Luật.
Quy tắc 27.1 Bộ Quy tắc quy định Luật sư: “có thiện chí, hợp tác khi giải quyết các tình huống phát sinh ảnh hưởng đến trật tự hoặc tiến trình giải quyết vụ việc tại phiên tòa”.
Trong thực tiễn hành nghề, sẽ có nhiều tình huống phát sinh mà với trường hợp cụ thể và với cá nhân Luật sư sẽ có các ứng xử, xử lý tình huống khác nhau. Thiết nghĩ các nguyên tắc: Độc lập – Bình đẳng – Tôn trọng, hợp tác, phối hợp, vì công lý sẽ là kim chỉ năm để người Luật sư đưa ra cách xử lý tình huống xử hợp tình, hợp lý, đảm bảo quyền lợi ích của tất cả các bên.
Luật sư TRẦN VĂN AN
Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang