Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng phong trào thi đua hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945 – 10/10/2020), để không ngừng nâng cao nhận thức và trách nhiệm, trau dồi đạo đức phẩm chất và ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp cho các luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Hà Tĩnh tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam” vào ngày 02 tháng 10 năm 2020.
Tới tham dự cuộc thi có đồng chí Lê Viết Hồng, giám đốc Sở Tư pháp; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các Sở ngành liên quan; cùng các luật sư tham gia thi thuộc Đoàn luật sư Hà Tĩnh.
Tại cuộc thi Luật sư Phan Duy Phong, Chủ nhiệm Đoàn luật sư đã khai mạc cuộc thi nhấn mạnh nghề luật sư là một nghề có tính đặc thù cao, mà ở đó hình ảnh luật sư là 1 hiệp sĩ, 1chiến sĩ bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải. Người luật sư ngoài việc có kiến thức, trình độ pháp luật uyên thâm, kỹ năng xuất sắc, thì đòi hỏi phải có đạo đức trong sáng, ứng xử đầy tính nhân văn cao cả. Chính vì vậy để không ngừng nâng cao ý thức học tập và thực hiện nghiêm túc các văn bản nói trên nhằm giữ gìn phẩm chất đạo đức và hình ảnh cao đẹp của người luật sư. Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Tĩnh tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam”.
Toàn cảnh cuộc thi
Nội dung cuộc thi là tìm hiểu Bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam vừa mới được Hội đồng luật sư toàn quốc thông qua và ban hành. Bộ quy tắc có 6 chương, 32 quy tắc quy định cụ thể những quy tắc mà luật sư phải thực hiện, những quy tắc quy định những việc luật sư không được làm. Ngoài ra, ngày 15/7/2020, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số: 82/2020 NĐ/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bổ trợ tư pháp, cụ thể là trong hoạt động hành nghề luật sư đối với Luật sư, Tổ chức hành nghề luật sư và Tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư.
Các thí sinh tham gia dự thi tập trung nghiên cứu, hăng hái tham gia dự thi với hình thức bốc thăm trả lời câu hỏi và ban giám khảo sẽ chấm điểm trực tiếp gồm 2 phần thi: Phần thi kiến thức chung và phần thi hùng biện. Mỗi thí sinh được bốc một đề thi trong bộ đề thi gồm 30 câu hỏi để trả lời và Ban giám khảo sẽ đặt câu hỏi để thí sinh trả lời. Căn cứ kết quả trả lời 2 phần của thí sinh, Ban giám khảo sẽ cho điểm chung. Điểm của mỗi thí sinh là điểm trung bình cộng của các giám khảo.
Cuộc thi thu hút nhiều luật sư tham gia sôi nổi nhiệt tình, nhiều phần thi có chuyên môn chất lượng cao thể hiện được bản lĩnh và kiến thức của người luật sư.
Phần dự thi của các thí sinh
Ban Giám khảo cuộc thi đã chấm thi với tinh thần công tâm, khách quan, trung thực, đúng thể lệ, đáp án và thang điểm do Ban tổ chức cuộc thi xây dựng. Đặc biệt các thành viên rất nghiêm túc trong việc đánh giá, chấm điểm đối với những thí sinh có phần thi chất lượng ngang nhau để chọn ra những thí sinh xuất sắc.
Trên cơ sở kết quả chấm điểm của Ban Giám khảo, Ban tổ chức cuộc thi đã quyết định trao 02 giải nhất cho Luật sư Nguyễn Thị Hoài An và Nguyễn Thị Quyên, 02 giải nhì cho Luật sư Nguyễn Đình Giáp và Võ Thị Hồng Nhung, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích cho các luật sư đạt giải.
Luật sư Phan Duy Phong, Chủ nhiệm Đoàn trao giải cho 02 thí sinh đạt giải nhất
Đây là cuộc thi mang tính nội bộ luật sư được tổ chức công khai, đơn giản, gọn nhẹ nhưng mang đầy đủ, ý nghĩa sâu sắc. Nâng cao ý thức tự giác của luật sư trong việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức và thực hiện nghiêm túc trong ứng xử nghề nghiệp luật sư, trong giao tiếp xã hội; giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của nghề luật sư, góp phần xây dựng hình ảnh người luật sư, sự tin cậy của cấp ủy, chính quyền và xã hội đối với luật sư cũng như nghề luật sư.
Hương Hoài
Đoàn luật sư tỉnh Hà Tĩnh